Người dân mua sắm tại một siêu thị do Nhật Bản đầu tư. Mảng dịch vụ, phi sản xuất đang được doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng ở Việt Nam thời gian tới - Ảnh: HẢI KIM
Ông Shinji Hirai - trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM - cho biết cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 25-8 đến ngày 24-9, trùng với khoảng thời gian Việt Nam thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt.
Tuy vậy, kết quả khảo sát vẫn rất tích cực, trong đó triển vọng tăng trưởng về thị trường Việt Nam rất khả quan, cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn mong muốn phát triển lâu dài ở đây.
Năm 2021 các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có tình hình kinh doanh xấu hơn so với các nước do ảnh hưởng của các biện pháp chống dịch, số doanh nghiệp làm ăn có lãi là 54,3%, số doanh nghiệp lỗ 28,6%, còn lại là cân bằng.
Nhưng bước sang 2022, triển vọng lợi nhuận kinh doanh sáng sủa hơn với 56,2% doanh nghiệp trả lời triển vọng này sẽ được “cải thiện”, “suy giảm” là 9,6%. Điều này cho thấy kỳ vọng cao về việc sẽ cải thiện trong năm 2022 bao gồm cả những tác động của năm 2021.
Có đến 55,3% doanh nghiệp mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, chỉ khoảng 1,9% doanh nghiệp có xu hướng thu nhỏ và khoảng 0,3% doanh nghiệp có phương án rút khỏi Việt Nam.
"Nhưng điều đó cũng không có nghĩa họ đóng cửa toàn bộ ở Việt Nam, một số doanh nghiệp cho biết họ phải chuyển hướng sang các nước khác để bù cho những phần chưa thể sản xuất kịp ở Việt Nam. Trong tương lai, khi tình hình chống dịch ở Việt Nam khả quan hơn, họ vẫn muốn quay lại" - ông Shinji Hirai lý giải.
Cũng theo đại diện Jetro, cơ sở để các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam lạc quan trong dự báo lợi nhuận kinh doanh năm 2022 là việc tiếp tục mở rộng xuất khẩu, quy mô tăng trưởng doanh thu của thị trường nội địa hấp dẫn.
Đại dịch cũng làm thay đổi cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp, tín hiệu mừng là Việt Nam đang chuyển sang sản xuất những mặt hàng giá trị gia tăng cao hơn, đây là lúc phải xem lại chuỗi cung ứng.
Vậy làm thế nào để tiếp tục kêu gọi vốn Nhật Bản vào Việt Nam? Đầu tiên là vấn đề tiền lương, những rủi ro về phí nhân công tăng cao, tỉ lệ nhân viên nghỉ việc, tiếp đến là giá đất thuê văn phòng tăng, tỉ lệ nội địa hóa đã cải thiện nhưng còn thấp so với các nước...
"Dòng vốn Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2022 sẽ được bổ sung từ các nhà đầu tư hiện hữu, đang có mặt ở Việt Nam. Dòng vốn mới phụ thuộc rất nhiều vào việc mở cửa đi lại giữa hai quốc gia, trong đó kết nối lại các đường bay quốc tế. Chúng tôi vẫn kỳ vọng doanh nhân, nhà đầu tư sẽ đi lại dễ dàng hơn trong năm nay" - ông Shinji Hirai nhận định.