Các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua các nghị quyết trong buổi sáng 23-9 - Ảnh: T.HẢI
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến cần khoảng 650.000 tỉ đồng cho đầu tư công. Trên cơ sở tính toán, cân đối ngân sách thành phố, dự kiến tổng mức vốn trung hạn khoảng 304.000 tỉ đồng, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố 218.962,7 tỉ đồng và cấp huyện 85.000 tỉ đồng.
Theo phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố dự kiến sẽ thu hồi ứng trước ngân sách tứng quỹ phát triển đất, hoàn trả các quận đã ứng trước, hỗ trợ các địa phương bạn; dự phòng,... 31.400 tỉ đồng, bố trí vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp thành phố 161.150 tỉ đồng, bao gồm các dự án chuyển tiếp 83.000 tỉ đồng và các dự án khởi công mới 78.000 tỉ đồng.
6.200 tỉ đồng sẽ được bố trí cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hỗ trợ đầu tư cho các huyện, thị xã thực hiện các dự án có ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố 18.000 tỉ đồng và Thực hiện Đề án xây dựng trụ sở Công an xã 1.900 tỉ đồng.
Để hoàn thành các mục tiêu, thành phố tập trung thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo 38 nhiệm vụ trọng tâm của Thành ủy, Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội 5 năm của HĐND thành phố và 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội.
Đáng chú ý, Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỉ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị, cân đối bố trí vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông hơn 83.000 tỉ đồng để thực hiện 255 dự án.
Thành phố dành một khoản kinh phí cho 14 dự án lớn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế dự án.
Phương án phân bổ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như các đường vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5, vành đai 4…; các cầu lớn qua sông (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); các trục hướng tâm, liên kết vùng (quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình).
Lĩnh vực thoát nước, chống úng ngập, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, ngân sách thành phố cân đối bố trí khoảng 13.700 tỉ đồng đầu tư 24 dự án, trong đó, dành một khoản kinh phí cho 9 dự án bố trí vốn hằng năm...
UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất, dự kiến bố trí nguồn vốn cho các dự án lớn, trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế của dự án đối với 34 dự án và các dự án lớn tại các đề án huyện thành lập quận giai đoạn 5 năm là 36.000 tỉ đồng.