Hơn 30 ngày được cưu mang nơi đất khách

3 năm trước 398
Hơn 30 ngày được cưu mang nơi đất khách - Ảnh 1.

Công an phường Thạch Thang hỗ trợ thực phẩm cho gia đình chị Hòa - Ảnh: Đ.C.

Dịch ập tới, cũng như nhiều công nhân khác, một gia đình công nhân tại Đồng Nai chạy xe máy hồi hương quê nhà Hà Tĩnh.

Nhưng khi đến Quảng Nam thì chồng, con gái bị tai nạn phải ra Đà Nẵng cấp cứu. Người vợ cách ly tại Quảng Nam xong cũng là lúc Đà Nẵng đang phong tỏa. Giữa nơi xa lạ, không người nương tựa nhưng gia đình gặp nạn không bị bỏ rơi. Hơn 1 tháng qua, họ được người dân Đà Nẵng cưu mang.

Hôm rồi người chồng bình phục, nhưng éo le là vợ con lại ở trong khu phong tỏa. Chồng về trước, còn vợ con ở lại và tiếp tục được đùm bọc ở nơi tha phương.

"Tan đàn xẻ nghé" trên đường hồi hương

Chị Trần Thị Hòa (34 tuổi, trú tỉnh Hà Tĩnh) cùng chồng là anh Khẩn thoát ly quê nghèo vô Nam làm công nhân được chừng hơn 1 năm. Anh chị có 4 đứa con, 2 đứa theo bố mẹ đi Nam, 2 đứa gửi lại quê nhà. "Công nhân mà, 2 vợ chồng tháng được mấy triệu bạc. Trừ tiền ăn, tiền trọ, áo quần cho tụi nhỏ... còn được mấy đâu" - chị Hòa chia sẻ.

Cuộc sống chật vật qua ngày của gia đình nhỏ bỗng chốc tan tành khi dịch bệnh ập tới. Thất nghiệp, không cầm cự nổi với hàng loạt chi phí hằng ngày, họ hồi hương với những công nhân cùng cảnh.

Cả gia đình không thể cùng 1 xe máy nên họ chia nhau ra. Chị Hòa và đứa út đi cùng người quen, còn anh Khẩn chở cháu Thùy (14 tuổi). Ngày 29-7, đoàn xe máy của những công nhân xuất phát từ Đồng Nai trở về quê nhà. 

"Đường xa, lại chưa quen đi, nên tụi tôi vừa đi vừa canh chừng cho nhau. Vậy mà..." - chị Hòa ngước nhìn ra phía cửa. Suốt 2 ngày đêm ròng rã trên đường, khi đến địa phận Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), xe của 2 bố con anh Khẩn gặp nạn. 

"Người ta lấy điện thoại gọi cho tôi để báo. Điện thoại bỏ trong balô, tôi đi phía trước, đi chầm chậm vẫn không thấy 2 bố con đâu. Sốt ruột quá, tôi dừng lại lấy điện thoại ra thì hỡi ôi..." - chị Hòa buồn nói.

Nhìn 2 bố con bê bết máu, sõng soài trên đường, chị Hòa rụng rời tay chân. Chị vội gửi đứa út cho những người đồng hương nhờ đưa về quê Hà Tĩnh cho ngoại. Còn chị ở lại tìm cách lo cho chồng con. "Nó cứ bu rít lấy mẹ nói không đi mô hết, chỉ theo bố mẹ với chị thôi. Ruột gan tôi rối bời, phải động viên dữ lắm nó mới chịu" - chị tâm sự.

Anh Khẩn và con được đưa vào bệnh viện ở Quảng Nam cấp cứu, nhưng do vết thương nặng nên phải chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng.

Chị Hòa được đưa đi cách ly tập trung tại Quảng Nam. Sau khi hoàn thành cách ly theo quy định, chị tính vội ra Bệnh viện Đà Nẵng để chăm sóc chồng con nhưng lúc này Đà Nẵng đang phong tỏa. Chị bơ vơ nơi đất khách ngay chỗ giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. "Tôi chỉ còn một cảm giác là bất lực, không biết đi đâu về đâu" - chị Hòa nghẹn giọng. Đó là vào chiều 7-8.

Hơn 30 ngày được cưu mang nơi đất khách - Ảnh 2.

Cháu Thùy ngoài thời gian học là tập đi lại trên nạng - Ảnh: Đ.C.

Hơn 30 ngày nơi đất khách

Chiều hôm đó, đại úy Hoàng Đình Dũng - cán bộ trạm CSGT cửa ô Hòa Hải (Phòng CSGT Công an Đà Nẵng) - làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch trên đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Anh cùng những người làm nhiệm vụ tại đây thấy 1 phụ nữ bần thần bên đường. Linh cảm có điều gì đó, họ đưa người phụ nữ vào ghế ngồi uống nước để hỏi chuyện. Lúc này, chị Hòa đã bình tâm hơn và chị chia sẻ lại hành trình đau buồn của gia đình.

Lúc này chị Hòa chỉ có CMND, giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế, giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính. Vấn đề không hề đơn giản, bởi TP Đà Nẵng đang thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội nên phải có giấy đi đường theo quy định.

Chị Hòa năn nỉ: "Nếu được cho tôi xin đến bệnh viện, đi bộ cũng được". "Nhưng chị không có giấy đi đường cùng các giấy tờ theo quy định. Mà chừ không có xe cộ nào, nếu có đi bộ từ cửa ô Hòa Hải đến Bệnh viện Đà Nẵng cũng hàng chục cây số thì đi sao nổi" - đại úy Dũng chia sẻ.

Sau hồi suy tính, đại úy Dũng đã dùng bộ đàm báo cáo và xin ý kiến của lãnh đạo phòng CSGT, ban chỉ đạo phòng chống dịch. Được sự đồng ý, anh cùng 1 cán bộ biên phòng lái ôtô chở chị Hòa đến bệnh viện. Anh Dũng cùng các cán bộ của trạm CSGT cửa ô Hòa Hải góp được 1,5 triệu đồng để hỗ trợ ngay cho chị Hòa.

Xe đưa chị Hòa tới viện nhưng không thể vào chăm 2 bố con vì nơi đây đang áp dụng quy trình phòng chống dịch. Làm sao có chỗ ở cho chị Hòa trong những ngày tới? Nghĩ vậy, anh Dũng nhờ người tìm chỗ trọ cho chị Hòa ở gần bệnh viện để tiện chăm lo cho chồng con.

Những ngày ở Đà Nẵng, khi biết về hoàn cảnh của chị, nhiều người dân ở Đà Nẵng cũng tìm cách chia sẻ. Một nhóm tình nguyện ở Đà Nẵng đã tìm một phòng trọ mới và di chuyển đồ đạc của chị Hòa đến đây cho tiện việc chăm chồng con. "Nhóm sẽ trả tiền trọ cho chị Hòa, đồng thời sẽ luôn theo sát để kịp thời giúp chị khi cần thiết" - anh Trần Hữu Đức Nhật, đại diện nhóm, chia sẻ.

Sau một thời gian điều trị, cháu Thùy đã xuất viện về ở trọ cùng mẹ. "Hai mẹ con sẽ ở đây chờ ngày anh Khẩn bình phục rồi cả nhà sẽ về quê sum họp" - chị Hòa mơ ước.

Nhưng dịch bệnh nào có buông tha cho gia đình nhỏ. Cách đây chừng chục ngày, anh Khẩn ra viện cũng là lúc khu vực chị Hòa ở có ca bệnh phải phong tỏa. Mơ ước vụt qua.

Chị Hòa thuê xe chở chồng về, còn mình và con gái phải lưu lại đây chờ ngày dỡ phong tỏa. "Hôm thuê xe, có 1 người ở Đà Nẵng đã hỗ trợ 3 triệu đồng để san sẻ cùng gia đình tôi" - chị Hòa cho hay.

Những ngày này, Đà Nẵng vẫn đang phong tỏa. Khu trọ của chị Hòa cũng đã giăng dây, nhưng tình cảm của người dân TP dành cho mẹ con chị không bao giờ bị ngăn cách. Hôm thì công an phường tiếp tế thực phẩm cho mẹ con chị. Rồi anh Dũng CSGT cũng mua rau củ ở Quảng Nam gửi ra hỗ trợ. Chị chủ trọ cho mượn nồi niêu, bếp gas để nấu nướng và nhiều tấm lòng khác. "Tròn 1 tháng ở Đà Nẵng, 1 vùng đất hoàn toàn xa lạ, nhưng gia đình tôi được cưu mang, đùm bọc như những người thân trong gia đình với nhau. Những tình cảm này tôi không biết diễn tả như thế nào" - chị Hòa xúc động nói.

Hơn 30 ngày được cưu mang nơi đất khách - Ảnh 3.

Mẹ con chị Hòa trong căn phòng trọ ở Đà Nẵng - Ảnh: Đ.C.

Trong căn phòng trọ ở khu phong tỏa, bé Thùy đã bắt đầu học online cùng chúng bạn. Mỗi ngày cháu được mẹ giúp tập đi lại trên đôi nạng của mình. "Hai mẹ con cứ động viên nhau cùng cố gắng, mong sớm được về nhà. Hành trình về quê của chúng tôi đã quá dài rồi" - chị Hòa hy vọng.

Và sáng 12-9, chị Hòa cùng con đã thuê xe cứu thương trở về quê nhà sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ giấy tờ. Đến chia tay mẹ con chị Hòa là những người bạn Đà Nẵng. Những người bạn mới kịp quen gửi đến mẹ con chị một chút tấm lòng ấm áp giữa ngày mưa bão.

"Một câu chuyện đầy tình yêu thương của người Đà Nẵng nữa khép lại và một lần nữa chúng tôi rất biết ơn mọi người. Người Đà Nẵng luôn ấm áp và tuyệt vời" - anh Calvin Tran, điều phối nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng, chia sẻ.

‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách‘Anh Cường cùng hai em’ nhặt ve chai, cưu mang nhau qua ngày giãn cách

TTO - 'Chúng tôi mỗi người một quê, tôi ở Nam Định, em thứ hai quê Hải Dương, thằng út quê Lai Châu. Từ 24-7 thành phố thực hiện giãn cách không còn nơi nào để ở đành ra gầm cầu, ít ngày sau tôi gặp hai thằng em cũng mất việc do COVID như tôi'.

Nguồn bài viết