Hơn 1.500 trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 ở TP.HCM là vấn đề 'y tế khẩn cấp'

3 năm trước 281
Hơn 1.500 trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 ở TP.HCM là vấn đề y tế khẩn cấp - Ảnh 1.

Anh Thạch Ủ (quận Tân Phú, TP.HCM), làm thợ hồ bị mất việc từ nhiều tháng qua, cùng các con đi nhận hàng tiếp tế. Anh rơi vào cảnh 'gà trống nuôi con' khi vợ mất do COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các chuyên gia cho rằng đối tượng bị ảnh hưởng lớn và dễ tổn thương nhất bởi dịch bệnh COVID-19 là trẻ em. Với các trẻ mồ côi, các em có thể bị ảnh hưởng tâm lý, tinh thần trong thời gian dài.

Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận - giảng viên Đại học Y dược TP.HCM - xoay quanh vấn đề này. 

"Vấn đề y tế khẩn cấp"

* Thưa ông, với số lượng nhiều trẻ em bị mồ côi trong đợt dịch COVID-19 như hiện nay, nếu không được quan tâm kịp thời sẽ ảnh hưởng tới trẻ và xã hội ra sao?

- Trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau dịch COVID-19 chia thành 2 nhóm, nhóm mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ và nhóm mất cả cha lẫn mẹ. Việc mất đi cha mẹ là một sang chấn tâm lý rất lớn, không gì có thể bù đắp được và rất nghiêm trọng.

Những sang chấn tâm lý này có thể tức thời ngay trong giai đoạn COVID-19, cũng có thể kéo dài hơn, vài năm sau, thậm chí là cả đời. Tuy nhiên, nếu không được quan tâm đúng mức, trẻ có thể gây ra những hành vi tiêu cực cho chính bản thân trẻ và cả xã hội.

Có những nhóm trẻ mất cha hoặc mẹ, người còn lại không đủ sức lao động sẽ dẫn tới trẻ thiếu dinh dưỡng, học hành sa sút, chậm phát triển tâm thần. Khi không đủ ăn, trẻ bắt buộc phải lao động sớm và nhiều trường hợp sẽ bị lạm dụng về sức khỏe, tình dục, thậm chí là buôn bán chất kích thích như ma túy, tham gia các tệ nạn xã hội...

Về y tế, những trẻ không được quan tâm đúng mức sẽ chính là nguồn lây bệnh, vì không ai chăm sóc, điều trị đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu trẻ trầm cảm, lo âu kéo dài, trẻ không thể trở thành người công nhân bình thường... Đây là vấn đề y tế và sức khỏe tâm thần khẩn cấp.

* Vậy chúng ta nên làm gì "khẩn cấp" lúc này, thưa ông?

- Đó chính là điều tra xã hội học, ở mỗi địa phương các hội nhóm như Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ... địa phương phải thống kê, điều tra nắm bắt được danh sách hết những trẻ mồ côi cha, mồ côi mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ để có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Đây cũng là lúc các mái ấm, nhà mở, tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm... công bố địa chỉ để tiếp nhận các em nhanh nhất có thể. Ngoài ra, đây cũng là lúc các chuyên gia tâm lý kết hợp với các tổ chức tại địa phương can thiệp, hỗ trợ đúng lúc, trấn an tâm lý cho các em, không chỉ ngày 1 ngày 2, mà là một quá trình lâu dài. 

Trong đó đặc biệt quan tâm đến 5 nội dung chính, bao gồm dinh dưỡng, giáo dục, y tế, sức khỏe tinh thần, thể chất của các em, phải có chương trình hành động nhanh, cấp bách.

Hơn 1.500 trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 ở TP.HCM là vấn đề y tế khẩn cấp - Ảnh 2.

Tiến sĩ Lê Minh Thuận - giảng viên khoa tâm lý Đại học Y dược TP.HCM

Làm gì trước cú sốc quá lớn?

* Thưa ông, ngoài việc các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ khẩn cấp cho các em, còn yếu tố nào có thể giúp trẻ vượt qua cú sốc tâm lý?

- Đó là gia đình. Nếu trẻ mất cả cha lẫn mẹ, họ hàng gần nên tạo điều kiện thay cha mẹ chăm sóc trẻ, lắng nghe, động viên, quan tâm và an ủi đối với trẻ.

Đối với trẻ đã có đầy đủ nhận thức về mất mát người thân của mình, nên nói rõ để trẻ đối diện với vấn đề. Tuy nhiên trước khi để trẻ biết được sự thật, người thân nên tìm đến các chuyên gia tâm lý tham khảo cách cư xử ra sao cho đúng, tránh cú sốc cho trẻ để không dẫn đến các hành vi tiêu cực.

Tôi nghĩ rằng vẫn nên để trẻ đối diện chấp nhận sự thật, nhận thức về cuộc sống, cảm xúc, tương lai như thế nào...

* Không riêng những trẻ mồ côi do dịch COVID-19, có rất nhiều trẻ em vẫn đang chịu cú sốc tâm lý khi phải ở nhà nhiều ngày, các bậc cha mẹ nên làm gì, thưa ông?

- Nhiều trẻ nhỏ không hiểu sao mình lại phải ở nhà nhiều ngày và không được chơi với bạn bè, hoặc nhận được tin người thân, người quen mất vì COVID-19 cũng làm trẻ gia tăng lo âu và căng thẳng. 

Với cách học online như hiện nay, nhiều trẻ em có thể dành nhiều thời gian truy cập vào Internet, nếu cha mẹ không giám sát trẻ sẽ có hành vi tiêu cực trên mạng. 

Các bậc phụ huynh cần lắng nghe, chia sẻ, quan tâm, giải thích cho con hiểu hơn, có thể cùng con ngồi học online. Ngoài ra có thể cùng con đọc sách, trồng cây, vẽ tranh... những việc làm gia tăng cảm giác hạnh phúc bên cha mẹ...

"Chỉ cần nhìn thấy cha hoặc mẹ hay khóc lóc, bi lụy quá nhiều về mất mát, chắc chắn trẻ sẽ bị tổn thương. Do vậy người lớn cần tránh từ ngữ gây tổn thương trước mặt trẻ, trẻ có thể không chịu đựng được", TS tâm lý Lê Minh Thuận nhấn mạnh.

Dang vòng tay với trẻ mồ côi vì COVID-19Dang vòng tay với trẻ mồ côi vì COVID-19

TTO - "Cơn bão" COVID-19 mấy tháng qua đã khiến hơn 1.500 trẻ ở TP.HCM bỗng chốc mồ côi. Em mất cha, em mất mẹ, em thì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đau thương, khó khăn chồng chất trên con đường học tập và tương lai của các em.

Nguồn bài viết