Hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia khai mạc 'Kết nối cung cầu TP.HCM và các tỉnh thành'

2 năm trước 109
Hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia khai mạc Kết nối cung cầu TP.HCM và các tỉnh thành - Ảnh 1.

Ngoài các chương trình hội thảo, với hơn 500 gian hàng, nhiều sản vật địa phương được trưng bày bán tại sự kiện lần này - Ảnh: N.TRÍ

Chiều 17-11, tại nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (quận 11, TP.HCM), chương trình "Kết nối cung cầu TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2022" lần thứ 11 đã chính thức khai mạc. 

Theo ban tổ chức, chương trình năm nay có quy mô lớn với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ 42 địa phương, trong đó riêng TP.HCM có đến hơn 600 doanh nghiệp. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp là hệ thống bán lẻ có quy mô lớn như Saigon Co.op, Vissan, MM Mega Market...

Về nội dung, chương trình cũng khá đa dạng so với các năm với nhiều sự kiện chính như Hội nghị ngành công thương 5 thành phố trực thuộc trung ương; Hội nghị đối thoại doanh nghiệp thương mại điện tử TP; Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP và các tỉnh, thành; 

Khai mạc Tuần hàng đặc sản, đặc trưng An Giang, Đồng Tháp; Hội nghị kết nối cung cầu tỉnh An Giang, Đồng Tháp với TP...; đặc biệt là không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đặc sắc, đặc sản của các địa phương, vùng miền (từ 17-11 đến 20-11) với quy mô 500 gian hàng.

Phát biểu tại buổi khai mạc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn cho TP.HCM và các tỉnh thành. Cụ thể, kết nối cung cầu giúp TP.HCM tìm được nguồn cung hàng hóa phong phú, chất lượng, và giúp các tỉnh thành tìm thêm được đầu ra cho thực phẩm, nông sản, thúc đẩy kinh tế phát triển.

"Tôi đề nghị ngành công thương TP tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác, kết nối với các tỉnh thành, trong đó ưu tiên phát triển kết nối bằng thương mại điện tử để thuận lợi cho việc trao đổi, nhanh chóng thúc đẩy thương mại", bà Thắng nói.

Phát biểu tại chương trình, đại diện Bộ Công Thương cho rằng kết nối cung cầu là sự kiện ý nghĩa, lớn mạnh qua từng năm, giúp thúc đẩy kinh tế vùng, đặc biệt trong thời điểm nhiều doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19. Do đó, Bộ Công Thương đánh giá rất cao sự kiện này, và sẽ xem xét có những hỗ trợ, nhân rộng thêm ở nhiều vùng miền.

Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết yêu cầu đặt ra của chương trình là tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua - bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững; trọng tâm là kết nối cung cầu trực tuyến, thực hiện xuyên suốt cả năm...

"Sự kiện đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý trên phạm vi cả nước để bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường nhằm phục vụ cho 12 triệu dân TP.HCM, đặc biệt dịp Tết Quý Mão, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tìm kiếm đầu ra, phát triển thị trường", ông Vũ nhận định.

Theo ban tổ chức, điểm mới năm nay là đẩy mạnh thương mại điện tử, kết nối cung cầu trực tuyến thông qua website www.ketnoicungcau.vn, tập trung thảo luận về các giải pháp đẩy nhanh phân phối trực tiếp và trực tuyến; thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử. 

Đặc biệt, năm nay có sự tham gia tích cực của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee… tổ chức các buổi thảo luận, đối thoại nhằm đưa nguồn cung hàng hóa lên kênh thương mại điện tử...

Kết nối cung cầu để không còn nông sản ùn tắcKết nối cung cầu để không còn nông sản ùn tắc

TTO - Năm 2022, tiếp tục triển khai cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh đến việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu.

Nguồn bài viết