Máy bay của Hãng Philippine Airlines đậu tại sân bay Manila, Philippines - Ảnh: REUTERS
Trong thông báo ngày 4-9, Hãng PAL cho biết động thái nộp đơn theo chương 11 của Luật phá sản tại New York, Mỹ, sẽ giúp hãng này cắt giảm nợ ít nhất 2 tỉ USD và nhận được 655 triệu USD vốn mới.
"Philippine Airlines sẽ tiếp tục các chiến dịch kinh doanh như bình thường trong khi hoàn tất việc tái cơ cấu mạng lưới, phi đội và tổ chức" - Hãng tin AFP dẫn lời phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính Nilo Thaddeus Rodriguez của PAL nói.
Việc này cũng mở đường cho PAL tái cấu trúc và đàm phán lại các hợp đồng nhằm giảm tiền thuê.
Theo các thỏa thuận đạt được với các nhà cung ứng, bên cho vay và chủ cho thuê hợp đồng, PAL sẽ nhận được 505 triệu USD để thực hiện kế hoạch phục hồi. Số tiền này sẽ được chuyển thành chứng khoán và nợ dài hạn của công ty. Ngoài ra, công ty sẽ có thêm 150 triệu USD trong quỹ nợ sau khi hoàn tất tiến trình tái cơ cấu "trong vài tháng nữa".
Ngoài ra, PAL cũng sẽ cắt giảm 25% phi đội của mình, trả lại một số máy bay đã đặt mua. Từ đầu năm 2021, hãng này đã phải giảm 35% nhân viên.
"Kế hoạch tái cấu trúc cho phép hãng hàng không vượt qua tác động chưa từng có từ đại dịch toàn cầu đã làm gián đoạn các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, đặc biệt là hàng không, và trỗi dậy mạnh mẽ hơn về lâu dài sau này" - tỉ phú Lucio Tan, ông chủ của PAL, nói.
Song song với việc nộp đơn tại Mỹ, PAL cho biết đang hoàn thành hồ sơ xin phục hồi doanh nghiệp tại Philippines.
Lượng đi lại bằng đường hàng không ở Philippines giảm 75%, từ mức 30 triệu lượt khách năm 2019 xuống còn 7 triệu lượt khách trong năm 2020 do các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch COVID-19.
Hãng PAL đã phải hủy hơn 80.000 chuyến bay, khiến doanh thu giảm 2 tỉ USD và phải sa thải 2.300 nhân viên. Cổ đông lớn nhất của công ty đã "bơm" hơn 130 triệu USD tiền mặt khẩn cấp và họ đã bán một tài sản không mang tính chiến lược với giá hơn 70 triệu USD.