Hệ thống do Sangfor Technologies thực hiện đã thu hút được sự chú ý của công chúng sau khi một người dùng trên ứng dụng mạng chuyên nghiệp Maimai.cn cho biết anh đã bị sa thải, sau khi công ty sử dụng hệ thống giám sát và phát hiện ra anh xin việc khác.
“Sếp của tôi nói rằng ông ấy biết chính xác những gì tôi đang làm trong giờ làm việc”, người này viết trên Maimai.cn, đính kèm ảnh chụp màn hình hiển thị về “hệ thống phân tích nhân viên từ chức”.
Hệ thống của Sangfor phân tích ý định từ chức của nhân viên bằng cách đọc thông tin họ gửi đến các trang web tuyển dụng, nền tảng truyền thông xã hội và hệ thống email chụp màn hình South China Morning Post |
Theo thông tin đăng ký bằng sáng chế trên công ty phân tích dữ liệu Qichacha, Sangfor đã đăng ký bằng sáng chế vào năm 2018 cho một hệ thống phân tích ý định từ chức của nhân viên bằng cách đọc thông tin họ gửi đến các trang web tuyển dụng, nền tảng truyền thông xã hội và hệ thống email. Hệ thống này có thể theo dõi hoạt động trực tuyến của nhân viên trong văn phòng, để kiểm tra xem nhân viên đã xem các trang web việc làm nào, gửi đơn đăng ký hay chưa và sau đó xếp hạng nhân viên theo mức độ rủi ro xin nghỉ việc.
Sangfor được thành lập vào năm 2000, có khoảng 100.000 khách hàng. Công ty có nhiều khách hàng chính phủ, bao gồm Cơ quan Thuế Nhà nước, Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc và Văn phòng Kiểm toán tỉnh Sơn Tây. Hiện không rõ có bao nhiêu cơ quan, công ty đang sử dụng hệ thống phân tích rủi ro từ chức của Sangfor.
Hệ thống phân tích của Sangfor đã gây ra tranh luận sôi nổi trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Weibo và Zhihu. Nhiều người dùng cho rằng loại chương trình phần mềm này vi phạm quyền riêng tư cá nhân. “Rất khó để nói liệu hệ thống đang theo dõi hành vi làm việc hay hành vi cá nhân, vì nó theo dõi tất cả hành vi trực tuyến thông qua mạng và máy tính của công ty”, một người dùng nhận xét trên nền tảng hỏi đáp phổ biến nhất Trung Quốc Zhihu.
Không có cơ quan chức năng nào của Trung Quốc đưa ra bình luận về vụ việc. Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL) của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 11.2021. Đây là một trong những quy định khắt khe nhất thế giới về bảo mật dữ liệu, đặt ra hạn chế pháp lý về cách dữ liệu cá nhân có thể được thu thập, sử dụng và quản lý. PIPL, cùng với luật Bảo mật dữ liệu, được coi là dấu chấm hết cho kỷ nguyên tự do của ngành công nghệ Trung Quốc.