Háo hức đêm Giao thừa

3 năm trước 565

Đã qua nhiều năm nhưng tôi vẫn nhớ những cái Tết của tuổi thơ. Đêm 30 Tết, cả khu tập thể vắng lặng, nhiều gia đình về quê, chỉ còn vài nhà ở lại. Trong màn đêm dày đặc, cái rét như đặc lại.

Chú thích ảnhẢnh: Phạm Kiên/TTXVN

Nơi làng quê và trong khu tập thể giáo viên của mẹ tôi nằm giữa cánh đồng, hầu như không nhà nào có đào hay quất để chơi Tết. Loài hoa phổ biến được các nhà lúc bấy giờ là thược dược vàng, đỏ, phớt hồng, cắm cùng violet màu tím. Trên ban thờ thêm lọ dơn đỏ hoặc vàng. Thế đã là thấy không khí Tết. 

Với lũ trẻ như chúng tôi, dịp Tết cũng là lúc háo hức nhất khi được mẹ tự tay cắt, khâu cho bộ quần áo mới. Vải ngày xưa hiếm, ông ngoại tôi thương con gái đi dạy học nơi xa vất vả, mỗi khi về lại dúi cho mảnh vải, bảo con cầm lấy mà may cái áo mới, cô giáo lên lớp phải tươm tất, học trò còn nhìn vào. Nhưng mẹ lại để dành vải ấy, đến Tết thì cắt ra rồi khâu áo cho tôi. Tết lên thị xã chúc tết ông ngoại, nhìn thấy đứa cháu mảnh khảnh mặc áo mới, ông ngoại tôi lại càu nhàu “mẹ mày không may áo mới mặc à”. Nhìn tôi là ông biết ngay, ông hay bảo tôi: “hừ, con khỉ gió”, tôi chả hiểu sao ông lại hay nói vậy, nhưng tôi cũng không coi đó là mắng mỏ gì, chỉ cười cười rồi lỉnh đi chơi với các anh chị nhà bác.

Tết với tôi còn là lúc ngồi canh nồi bánh chưng sôi ùng ục trên bếp, mặt đỏ hồng chờ đợi lúc vớt bánh, tôi sẽ háo hức lấy cái bánh nhỏ đã xí phần từ lúc gói mà ăn khi vẫn còn nóng. Ngon vô cùng. Lúc vớt bánh cũng chỉ còn vài tiếng nữa là pháo hoa điểm giao thừa, bánh bày lên bàn thờ vẫn còn ấm tay.

Nhưng mùi vị đậm sâu nhất, giờ vẫn cứ len lỏi vào trong tâm trí, đó là mùi hương của nồi nước mùi già để bên cạnh nồi bánh chưng. Sau tất cả những công việc cuối cùng của năm, sẽ là lúc tắm gội thứ hương vị thơm dậy mùi, đượm vị Tết ấy. Bây giờ nhiều nhà vẫn giữ nếp này dù cho cuộc sống hiện đại, đã có cả tinh dầu mùi già trong dầu gội sữa tắm, không phải đun nước kỳ công thế này.

Chú thích ảnhTrong mỗi góc vườn của các gia đình ở nông thôn đều để lại vạt rau mùi già dùng vào dịp Tết. Ảnh: XP/Báo Tin tức

Nhưng như nhiều đứa trẻ khác, Tết háo hức nhất là được mừng tuổi. Tôi khoái chí cầm những tờ tiền hai trăm đồng mới cứng, cảm giác như có thể dọc được giấy, cảm nhận rõ mùi thơm của tờ tiền mới. Những tờ tiền ấy như bảo bối, cất kỹ, không khi nào gập lại. Tôi nhớ, mình đã phải tích tiền qua vài cái tết, giữ khư khư mới được mười mấy nghìn đồng. Rồi một lần hứng chí cùng mấy người bạn đạp xe đi chơi ở Tam Cốc. Đến khi mua vé để đi thuyền, cũng phải chừng tiền mới đủ cho bốn đứa. Thế là hết vèo số tiền ấy. Khi trả tiền vé, người bán vé còn cười, tiền mới thế, chả mới à, giữ như giữ vàng, cho vào quyển sách kẹp cứng lại, không mảy may vấy bẩn. 

Nhưng Tết với tôi cũng có nỗi phiền. Tôi sợ nhất phải đun nước làm gà trong đêm tối rét mướt khi mà thời khắc cuối cùng của một năm sắp tới gần. Có những Tết mưa gió, căn bếp ẩm xì. Sau bữa cơm tất niên tối 30, chừng tám, chín giờ tối bắt đầu rục rịch gầy bếp củi đun nước để làm gà. Những năm chín mươi của thế kỷ trước, ở nông thôn, tủ lạnh gần như chưa nhà nào có. Để con gà thắp hương đêm giao thừa tươi ngon, thì phải gần đến giờ bày mâm cỗ cúng các nhà mới nổi lửa làm gà.

Chú thích ảnhẢnh: Thế Duyệt/TTXVN

Phần lớn ở các làng quê, cho đến bây giờ vẫn vậy, không có dịch vụ làm gà cúng hay làm gà sẵn, về chỉ việc chế biến như ở thành phố hoặc những phố thị hay ngôi làng đã lên phố. Phải lò dò ra cái giếng ở đầu hồi khu tập thể xách nước trong đêm cũng khiến tôi run lên vì sợ bóng tối. May là bể nước trước sân đã được lo xách đầy từ chiều. Mẹ tôi nói, trước khi Giao thừa, kiểu gì bể nước cũng phải đầy, để cho một năm mới may mắn, đầy đủ, tràn trề như nước. Khi ấy, tôi chẳng hiểu gì cho lắm về điều này, chỉ nghĩ đơn giản là, làm trước ngày mồng 1 thì hôm sau sẽ được ngủ nướng. Ngày mồng 1 sẽ là ngày thích nhất khi tất cả mọi thứ đều đã được làm xong từ hôm trước.

Đêm 30, đêm cuối cùng của năm cũ, trong cái vắng lặng tứ phía, tôi thấy cả khu tập thể giáo viên của mẹ như vô cùng nhỏ bé, im ắng giữa cánh đồng. Cuối năm, nước về đồng để đổ ải, chuẩn bị cho vụ cấy, gió thốc từ cánh đồng khiến những gian nhà càng thêm heo hút. Khi bóng đêm đã trĩu nặng, mưa bụi rắc hạt, đất bốc lên mùi ẩm lạnh. Nhưng dù buồn ngủ thế nào, tôi cũng cố đợi đến khi ba kim đồng hồ chập vào làm một, để thấy mẹ thắp nén hương Giao thừa, để ngước mắt nhìn vào trời đêm, nhìn ra phía xa, thấy đì đùng pháo hoa bắn lên bầu trời. Thời đó, pháo hoa cũng hiếm lắm, từng ngọn pháo hoa tung lên cao, rời rạc nhưng toả ra muôn tia sáng lấp lánh sắc màu, cũng đủ khiến tôi mê mải ngắm nhìn. Cho đến khi bốn phía trở lại tĩnh lặng, cả người tôi đã thấm lạnh mới chịu bước vào nhà.  

Nguồn bài viết