Hành trình sau giờ làm việc

3 năm trước 234
Hành trình sau giờ làm việc - Ảnh 1.

"Hành trình sau giờ làm việc" của nhóm đến trao quà nhu yếu phẩm cho các xóm trọ nghèo - Ảnh: C.K.

Từ những ngày TP bùng dịch, khoảng chục bạn trẻ đã lập thành nhóm tổ chức hoạt động vì cộng đồng.

Dù mỗi người một hoàn cảnh, một công việc nhưng chúng mình cố gắng vận động đóng góp, giúp đỡ người lao động, người cao tuổi, trẻ em khó khăn càng nhiều càng tốt. Mong mọi người sớm ổn định lại cuộc sống.

Anh Bạch Thanh Tú

Len lỏi xóm trọ nghèo

Ngoài việc gom góp kinh phí hỗ trợ bà con khó khăn, các thành viên còn vận động nguồn lực từ các bếp ăn từ thiện, nhu yếu phẩm rồi mang đến tặng bà con trong những xóm trọ nghèo.

Thời điểm mọi người đang nghỉ làm hoặc làm việc từ xa do giãn cách xã hội, các thành viên của nhóm lăn xả tham gia đội hình hỗ trợ oxy cho các F0 cần cấp cứu; trao lương thực, thực phẩm cho các hộ dân... Trong nhóm có bạn Bạch Hùng Cường chạy xe công nghệ giao hàng cùng tham gia ở thời điểm dịch bùng phát dữ dội. 

Nhiều chuyến trao quà đến gia đình bị cách ly do có F0 khiến anh không may bị phơi nhiễm. Trở thành F0, Cường tự điều trị và cách ly tại nhà, rồi ba của bạn bị lây nhiễm nhưng ông đã không qua khỏi. Sau 28 ngày cách ly tại nhà và mất đi người cha thân yêu, Cường nén nỗi đau và quay lại với những công việc thiện nguyện của mình.

"Thời điểm đi lại khó khăn, lúc đó mình vừa khỏe và hết thời gian cách ly nên tiếp tục đăng ký làm shipper để thuận tiện hơn khi đi trao thuốc, nhu yếu phẩm cho các gia đình. Mình quan tâm hỗ trợ những nhà có F0, từ việc giao thuốc, chia sẻ kinh nghiệm vượt qua bệnh của bản thân đến động viên họ cố gắng lạc quan, ăn uống và thuốc thang đầy đủ để chiến thắng bệnh này" - Cường bộc bạch.

Đầu tháng 10 đến nay, các thành viên của nhóm đều đi làm. Do vậy, các bạn chỉ dành được những giờ sau buổi làm việc và ngày nghỉ cuối tuần đi hỗ trợ bà con. 

"Thấy bà con dù đã hết giãn cách hay không bị phong tỏa như trước nhưng cuộc sống vẫn còn chật vật vì chưa có việc làm, hay gia đình mất đi trụ cột lao động, vì thế nhóm vẫn duy trì hoạt động. Mong nhiều người cùng nhóm chia sẻ giúp đỡ những hoàn cảnh không may" - bạn Hồ Phương Thảo, thành viên nhóm, chia sẻ.

Thảo cho hay hơn chục năm qua từ tỉnh lẻ đến TP.HCM học tập rồi lập nghiệp. "Mình đã được nhiều người giúp khi mới đặt chân đến thành phố này. Nay mình giúp được gì cho ai thì sẽ cố gắng thôi" - Thảo nói. Những ngày qua, hàng trăm phần quà đã đến với nhiều phòng trọ.

Cầm phần quà trên tay, ông Tư ở xóm trọ P.10, Q.6 cảm động: "Mấy bữa nay tôi vẫn chưa đi bán vé số lại, xưởng mộc chỗ thằng con chưa làm nên trong nhà không còn gì. Được mấy cháu tặng gạo, trứng và rau củ, nhà tôi cũng đỡ được phần nào. Mai mốt đi làm lại, chắc sẽ bớt khổ hơn".

Trao giọt máu yêu thương

Thành viên của nhóm không chỉ kết nối mang nhu yếu phẩm đến xóm trọ sau giờ làm việc mà còn có hẳn đội hình tham gia hiến máu tình nguyện, hơn chục bạn nòng cốt. Trưởng nhóm Bạch Thanh Tú là người đã 46 lần hiến máu và luôn vận động người thân, bạn bè tham gia. Những thành viên khác cũng có "thâm niên" nhiều lần chia sẻ giọt máu yêu thương.

Trong mùa dịch COVID-19 vừa rồi, khi biết ngân hàng máu đang khan hiếm, cả nhóm tranh thủ đăng ký hiến máu tại Trung tâm hiến máu nhân đạo thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.HCM. "Người bệnh khi cần máu thì không thể chờ được, do vậy tụi mình nhanh chóng sắp xếp việc cá nhân, tham gia sớm" - anh Tú cho hay.

Còn anh Huỳnh Hồng Phúc đã 20 lần hiến máu, nhớ lại lần cả nhóm phải gọi điện cho nhau để cùng đi hiến máu, hỗ trợ một bệnh nhân mổ tim. 

Phúc tâm sự: "Cảm giác hồi hộp nhanh chóng qua đi khi nghĩ giọt máu của mình sẽ giúp được bệnh nhân nào đó kéo dài thêm sự sống. Giờ đây cứ 3 tháng là mình đăng ký hiến máu một lần. Mình duy trì tập luyện, ăn uống đảm bảo sức khỏe để có thể chia sẻ máu cho các bệnh nhân đang cần đến".

"Sau giờ làm việc dù ai cũng mệt hay những ngày cuối tuần các bạn đều gác lại niềm vui riêng, cùng nhóm mình thực hiện hành trình ý nghĩa để kết nối, hỗ trợ bà con khó khăn.

Giúp bà con lúc ngặt nghèo cũng là niềm động viên mọi người vượt qua giai đoạn này. Mỗi lần trao quà về, nhóm đăng thông tin lên mạng xã hội, bạn bè và cộng đồng biết, lại đóng góp để tiếp tục hành trình. Mong sao cuộc sống lại như xưa" - anh Bạch Thanh Tú, trưởng nhóm, hy vọng.

Chủ động và giữ ngọn lửa tình nguyện phòng chống dịchChủ động và giữ ngọn lửa tình nguyện phòng chống dịch

TTO - 123 ngày, nếu tính đến cuối tháng 9, là những ngày tuổi trẻ đã có mặt trong các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 cùng thành phố, có thể nói là thời khắc đặc biệt với hoạt động phong trào của tổ chức Đoàn - Hội.

Nguồn bài viết