Chiều 17/4, chương trình “20 năm - Hành trình ghi lại những dấu chân: Nữ nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp” do Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội; hướng tới dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam (21/6/2002- 21/6/2023).
Theo Ban tổ chức, 20 năm qua là một hành trình ghi lại những dấu chân nữ nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp, và là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Không chỉ đồng hành trong lĩnh vực chuyên môn, các nữ nhà báo còn đồng hành cả trong công việc thiện nguyện, an sinh xã hội.
Thông qua chương trình, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp càng được nhấn mạnh hơn bao giờ hết; góp phần thúc đấy mỗi quan hệ hỗ trợ ngày càng khăng khít; là sự đồng hành trong chặng đường phát triển chung của đất nước.
Clip Chương trình 20 năm - Hành trình ghi lại những dấu chân: Nữ nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp:
Chương trình đã khẳng định người làm báo là một trong những lực lượng trên tuyến đầu của các mặt trận. Những người làm báo, đặc biệt là các nhà báo nữ đã đóng góp những thành tựu to lớn trong sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam, cũng như lan toả mạnh mẽ đến cộng đồng về lòng nhân ái, nỗ lực vươn lên. Sực kết nối các nhà báo nữ cũng giúp cân bằng, hài hoà 2 vai trò quan trọng là làm báo và giữ lửa trong gia đình; tham gia tích cực vào sự nghiệp báo chí cách mạng, bảo vệ và phát triển đất nước.
TS. Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam cho biết: “Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ luôn chú trọng đến việc tạo một “sân chơi nghiệp vụ”, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho chị em phóng viên, biên tập viên trong suốt 20 năm qua. Các chị em nữ nhà báo trong Câu lạc bộ đều rất năng động, nhiệt tình, nhiều chị có chuyên môn vững. Đặc biệt, đồng hành với các nhà báo nữ là sự ủng hộ của các cơ quan báo chí, sự quan tâm của Hội nhà báo các cấp và có sự đồng hành của các doanh nghiệp”.
Chia sẻ về hoạt động của Câu lạc bộ hiện nay, TS. Phạm Thị Mỵ cũng cho biết: Để câu lạc bộ bền vững và phát triển, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ và các hội viên đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là Câu lạc bộ hoạt động “3 không”: Không trụ sở, không ngân sách, không nhân sự. Khi thì lấy trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, khi đặt tại trụ sở báo Tài nguyên Môi trường, và hiện nay là văn phòng tạp chí Sức khỏe & Môi trường. Để có kinh phí hoạt động, Câu lạc bộ cũng luôn phải tự vận động, kêu gọi cho các hoạt động. Đặc biệt, đội ngũ nhân sự của Câu lạc bộ đều không chuyên trách, kiêm nhiệm nhiều việc, nhiều chị đã về hưu nhiều năm vẫn phải tham gia gánh vác; trong khi đó, các chị còn đang công tác lại “vướng” công việc chuyên môn, đoàn thể.
Tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng Câu lạc bộ đã luôn duy trì, làm tốt và có những thành quả nhất định như: Phát triển tổ chức Hội và Hội viên; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên; triển khai rất nhiều các hoạt động thiện nguyện; và tự lan toả mình.
Thời gian qua, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ có ý nghĩa như: Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm giao lưu về nhà báo nữ với nghề và với trách nhiệm xã hội; tổ chức những chuyến đi thực tế tới các vùng đất của Tổ quốc, đặc biệt là đến các vùng biên giới, hải đảo, các vùng đặc biệt khó khăn; Tổ chức các cuộc thi nấu ăn, thời trang, ca nhạc, cắm hoa nghệ thuật… mang đặc thù giới. Các Câu lạc bộ thành viên cũng có nhiều sáng kiến trong hoạt động, tạo nên bản sắc riêng của địa phương mình.
Đặc biệt, một hoạt động rất có ý nghĩa của Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam cũng như các Câu lạc bộ Nhà báo nữ ở các địa phương là công việc thiện nguyện. Câu lạc bộ Nhà báo nữ đã thành lập một đoàn thiện nguyện riêng với gần 500 thành viên cả trong và ngoài phạm vi. Cũng chính trong hoạt động này, sự đồng hành của Câu lạc bộ Nhà báo nữ với các tổ chức doanh nghiệp và các nhà hảo tâm thật sự phát huy hiệu quả.
“Chúng tôi mong sẽ có nhiều nhà báo nữ trẻ tiếp nối đàn chị, tiếp tục con đường giàu tâm huyết; yêu nghề, để có thể dấn thân, phát triển câu lạc bộ tại các địa phương. Để Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam luôn là nơi chắp nối, tạo hành trang vững vàng cho các nữ nhà báo trong nghề và trong cuộc sống”, TS. Phạm Thị Mỵ chia sẻ.
Tại Chương trình, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã trao cờ thi đua khen thưởng cho Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, Chương trình cũng vinh danh 20 nhà báo nữ có thành tích nổi bật trong hoạt động của Câu lạc bộ nhằm khích lệ, động viên các hội viên tích cực đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của Câu lạc bộ thời gian tới.