Hàng trăm nhà sản xuất Trung Quốc muốn kết nối lại chuỗi cung ứng với Việt Nam

2 năm trước 136
Hàng trăm nhà sản xuất Trung Quốc muốn kết nối lại chuỗi cung ứng với Việt Nam - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt Nam trao đổi qua màn hình với nhà quản lý người Trung Quốc - Ảnh: N.BÌNH

Khoảng 170 nhà sản xuất và cung ứng Trung Quốc lần đầu tiên cùng tham gia một triển lãm tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), TP.HCM vừa khai mạc ngày 29-8, nhằm tìm cơ hội kinh doanh ở thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. 

Tuy nhiên, do Trung Quốc đang áp dụng chính sách "Zero COVID" nên rất nhiều doanh nhân không thể đến Việt Nam như kế hoạch. Một số doanh nghiệp dù đã có "bảo lãnh" từ đơn vị tổ chức thì lại vướng phải thủ tục visa kéo dài nên cũng mất cơ hội dự hội chợ này. 

Bà Phạm Thị Kim Dung, Công ty thương mại dịch vụ ADD, đơn vị đang phân phối độc quyền cho hãng nội thất văn phòng Sunon, cho biết nhà sản xuất ở Trung Quốc đã xin visa vào Việt Nam nhưng thủ tục, thời gian kéo dài nên không thể có mặt tại hội chợ. Công ty đứng ra làm việc với các đối tác trong dịp này. 

Tương tự, nhiều gian hàng cung cấp thiết bị, vật liệu trong chuỗi cung ứng dệt may... cũng tìm cách tiếp cận thị trường, kết nối lại hoạt động chuỗi cung ứng vốn bị đứt gãy sau dịch COVID-19 thông qua các đại diện ở Việt Nam. 

Hàng trăm nhà sản xuất Trung Quốc muốn kết nối lại chuỗi cung ứng với Việt Nam - Ảnh 2.

Triển lãm linh động kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến

Theo quy định của Trung Quốc, người nước này xuất ngoại khi muốn trở về phải cách ly 4 ngày ở nước sở tại và về đến Trung Quốc cách ly thêm 7 ngày nữa. 

Chính sách này hạn chế người Trung Quốc đi ra nước ngoài, vì vậy hầu hết quản lý các gian hàng là đại diện, nhà phân phối ở Việt Nam, rất hiếm gian hàng có doanh nhân Trung Quốc. 

Các doanh nghiệp Trung Quốc chọn phương án gửi sản phẩm mới đến trưng bày để khách hàng tại Việt Nam có thể trải nghiệm và cảm nhận trực tiếp, đồng thời các cuộc gặp trực tuyến sẽ được tiến hành tại gian hàng thông qua gọi video call để trao đổi quá trình thương thảo, đàm phán.

Ông Nguyễn Bá Vinh - giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ quảng cáo và triển lãm Minh Vi (VEAS), đơn vị tổ chức - cho biết Triển lãm thương mại China Homelife Việt Nam 2022 khai mạc ngày 29-8 và sẽ kéo dài đến hết ngày 31-8, có đến 70% gian hàng là của các nhà cung cấp về nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp hỗ trợ, phần lớn là những đơn vị lớn đã vào được chuỗi của các thương hiệu dệt may, nội thất của thế giới. 

Trong lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, China Homelife đem đến 173 nhà sản xuất, cung ứng hàng đầu Trung Quốc tham gia trưng bày trên 200 gian hàng, tổng diện dịch 4.500m2, với sản phẩm thuộc 4 ngành hàng gia dụng, điện tử tiêu dùng, dệt may và vật liệu xây dựng - nội thất. 

"Dù các doanh nghiệp, nhà sản xuất Trung Quốc không trực tiếp có mặt tại đây nhưng dự kiến vẫn sẽ có khoảng 5.000 cuộc gặp gỡ giao thương chất lượng trong 3 ngày mở cửa", ông Vinh nói.

Theo số liệu của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam trong 20 năm qua; riêng năm 2021, con số kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 166,46 tỉ USD.

Đây cũng là thị trường nhập khẩu số 1, cung ứng nhiều nhóm hàng quan trọng trong phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Ông Binu Pillai, giám đốc điều hành Công ty triển lãm quốc tế Meorient (Úc), đơn vị tổ chức, dẫn số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, cho thấy trong 6 năm liên tiếp, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN.

 Triển lãm ôtô Bắc Kinh bị hoãn vì dịch COVID-19Trung Quốc: Triển lãm ôtô Bắc Kinh bị hoãn vì dịch COVID-19

TTO - Theo Hãng tin Reuters, các nhà tổ chức Triển lãm ôtô Bắc Kinh dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4, đã thông báo hoãn sự kiện này do số ca mắc COVID-19 gia tăng gần đây tại Trung Quốc đại lục.

Nguồn bài viết