Từ ngày 7-9 TP.HCM đã cho phép mở lại dịch vụ ăn uống, chỉ bán mang về. Sang ngày 28-10 TP tiếp tục cho phép bán tại chỗ. Nhưng đến hôm nay 7-11 quán của chị Thùy Linh (áo xanh) mới chính thức khai trương - Ảnh: BÔNG MAI
Chiều tối 7-11, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (chủ quán Linh - Ốc xào Nha Trang, Q.Bình Thạnh) bắt đầu đón những vị khách đầu tiên sau nhiều tháng quán đóng cửa.
"Mấy bữa trước vẫn cảm thấy lo, sợ dịch, chưa dám mở. Giờ đã thấy an tâm hơn, nhiều quán bán lại rồi nên mình cũng chọn ngày tốt để mở. Hôm nay khai trương, hy vọng buôn bán suôn sẻ, sau cơn mưa trời lại sáng", chị Thùy Linh chia sẻ.
Trong ngày đầu tiên bán trở lại, chị Thùy Linh cho biết chỉ nhập 50% hải sản so với trước kia, để bán thăm dò. Vì hải sản nhập từ quê Phan Thiết lên TP.HCM, sau đó chế biến cho khách ăn liền, nên quán không dám lấy nhiều hơn, sợ "không bán được thì lỗ".
"Nhiều quán vừa đổ tiền vào đầu tư, chưa kịp làm gì thì dịch đã đến, không gồng gánh được, phải đóng cửa đến bây giờ. Mình còn xoay xở được tiền, có thể khai trương trở lại là may mắn lắm rồi", chị Linh bày tỏ.
Không mới mẻ như chị Linh, quán nhậu "Cháo lòng 18A Nam Định" (TP Thủ Đức) của anh Nguyễn Duy Tùng đã bán lại từ giữa tháng 10.
Sau gần nửa tháng cho khách ngồi ăn tại chỗ, anh Tùng chia sẻ tình hình: "Bán cầm chừng lắm, bữa được bữa mất, khách không đông như trước nữa. Nhiều khi 20h30 khách mới tới, mình không dám nhận vì 21h quán phải đóng cửa, khách ở lại muộn sợ bị phạt. Ngày trước bên mình bán đến khuya mới dọn hàng, khách còn nhậu là còn bán".
Theo quy định, hàng quán phục vụ ăn uống tại chỗ phải đóng cửa trước 21h và chỉ được phục vụ tối đa 50% công suất.
"Bán cháo thật ra không lời bao nhiêu, khách ngồi lại nhậu rồi gọi thêm mồi thì mình mới kiếm được tiền. Giờ doanh thu chắc được khoảng 40% trước kia thôi, chỉ mong đủ để lo tiền cho nhân viên, trả tiền mặt bằng, còn lời thì chưa tính tới", anh Tùng cho hay.
Nhiều hàng quán tại TP.HCM và TP Thủ Đức đang bán cầm chừng. Một số quán vẫn đóng cửa - Ảnh: BÔNG MAI
Theo tìm hiểu, dù được ăn tại chỗ, nhưng nhiều khách hàng vẫn còn e ngại.
"Lúc trước không có dịch thì mình ăn quán thường xuyên lắm, tụ tập bạn bè, giờ hạn chế, không dám ngồi đông", khách hàng Tú Anh (26 tuổi) chia sẻ, sau khi gọi các dĩa ốc để ăn. Đây là lần thứ ba Tú Anh ngồi lại quán ăn, kể từ khi TP.HCM cho phép được phục vụ tại chỗ.
"Giờ toàn đàn ông tới quán thôi, hiếm khi thấy phụ nữ, trẻ em, người già. Dịch mà, khách ngại đi đông", chị Ngân, nhân viên một quán chuyên bán hải sản trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) chia sẻ.
Anh Nguyễn Hữu Trí (chủ quán trà sữa, bánh mì thịt nướng, Q.7) cũng cho biết hiện doanh thu đã hồi phục 50% so với trước dịch, nhưng chủ yếu đến từ các khách đặt hàng qua app (ứng dụng cài trên điện thoại) và khách mua mang về.
Theo ghi nhận, hiện số lượng hàng quán ăn uống mở cửa trở lại ở TP.HCM và TP Thủ Đức đã đông hơn trước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều quán nhậu đang bán rau củ, trái cây, chưa trở lại nghề chính.
Một số hình ảnh hàng quán ăn uống tại TP.HCM:
Tại cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea (đường Phan Xích Long, Q.Bình Thạnh), khách hàng đặt tiền vào khay nhựa được treo trên ròng rọc để đưa tiền cho nhân viên, nhằm đảm bảo giãn cách để phòng dịch - Ảnh: BÔNG MAI
Quán cà phê (Q.Bình Thạnh) khá thưa khách, mỗi bàn thường có 1-2 người ngồi để đảm bảo giãn cách - Ảnh: BÔNG MAI
Anh Sang (nhân viên quán nhậu, TP Thủ Đức) cho biết lúc trước khách tới quán nhậu rất đông, nhưng giờ thưa thớt. Ngay cả bể hải sản cũng ít hơn, chỉ bằng 1/3 số lượng trước kia - Ảnh: BÔNG MAI
Dù vẫn còn lo lắng, nhưng vì tính tiện lợi, được ăn ngon mà không cần nấu nước, dọn dẹp, nên nhiều khách hàng vẫn thích ngồi tại quán để ăn - Ảnh: BÔNG MAI
Nhiều chi nhánh thuộc các chuỗi F&B đình đám như Highlands Coffee, Phúc Long Coffee & Tea, Kichi Kichi, Hokkaido, Lotteria... đã trở lại đường đua sau thời gian dài đóng cửa - Ảnh: BÔNG MAI