Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lỗ 4.800 tỉ đồng trong quý 1 năm nay - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản
Những thông tin này được Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra trong dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021.
Dự thảo vừa được Bộ Kế hoạch và đầu tư gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi báo cáo Thủ tướng cho thấy 8 ngành nghề kinh doanh: du lịch, nhà hàng, khách sạn; dệt may; bán lẻ; cơ khí, chế tạo, ôtô; nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; vận tải, logistics; hàng không; công nghệ thông tin, viễn thông đang đối mặt với vô vàn khó khăn.
Với ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5-65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.
Đợt dịch COVID-19 lần 3 bùng phát dịp tết năm 2021 khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch COVID-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.
Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến lỗ quý 1 năm 2021 khoảng 4.800 tỉ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỉ đồng.
Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỉ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không.
Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp dệt may cũng gặp vô vàn khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 - Ảnh: T.H
90% doanh nghiệp du lịch dừng hoạt động
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi COVID-19. Các doanh nghiệp trong ngành đã cố gượng dậy sau năm 2020, kỳ vọng vào dịp Tết 2021 thì dịch bệnh lại bùng phát. Lượng khách đặt tour dịp Tết 2021 giảm mạnh, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch gặp khó khăn về tài chính, không có doanh thu, kiệt quệ.
Có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc. Đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương. Các doanh nghiệp này đang cố gắng kích cầu nội địa để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt.
Bên cạnh khó khăn dịch bệnh, VITA cho rằng quy định doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải ký quỹ 500 triệu, giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bị áp giá điện dịch vụ đang khiến doanh nghiệp trong ngành khó khăn hơn.
Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, dịch COVID-19 đã khiến ngành dệt may Việt Nam lần đầu tiên tăng trưởng âm 10,5% trong 25 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 chỉ đạt 35 tỉ USD, giảm 4 tỉ USD so với năm 2019.
Đại dịch COVID-19 bùng phát lại đang tác động tiêu cực đến ngành dệt may, thời gian tới ngành dệt may còn khó khăn hơn, doanh nghiệp không còn những đơn hàng cũ, nguồn tiền dự phòng giảm dần. Dự báo nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thì tới quý 2 năm 2022, tiêu cực hơn đến quý 4 năm 2023, ngành dệt may mới phục hồi về ngưỡng năm 2019.