Hành khách chờ lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều đơn vị cấp tập tuyển thêm người, đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn bị tâm thế phục vụ như những mùa cao điểm của những năm chưa có COVID-19 mà không quá lo lắng như vài tháng trước.
Đã được làm 8 giờ/ngày, tăng ca
Gần 6 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Ngọc Hảo - nhân viên Công ty CP phục vụ mặt đất Sài Gòn (Sags) - hồ hởi với sự đông đúc ở sân bay Tân Sơn Nhất. Thường làm "xuyên đêm" theo giờ khai thác của các chuyến bay quốc tế nhưng chị Hảo cười tươi rói khi nói về những trải nghiệm đối với nhân viên hàng không không thể nào quên.
Tâm trạng này khác hẳn với những ngày làm 3 tại chỗ để phòng dịch. Khi đó, sân bay hiu hắt, lèo tèo chuyến bay chở hàng hoặc hãng bay quốc tế chở khách hồi hương. "Có ai nghĩ sân bay "đói" khách, vậy mà có lúc gặp được một khách làm thủ tục chuyến bay cũng rất quý" - chị Hảo nhớ lại.
Trong đợt giãn cách xã hội, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ phục vụ khoảng 10 chuyến bay/ngày (chủ yếu chở hàng hóa) so với trước là 100 chuyến/ngày. Riêng tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh, hoạt động khai thác thương mại gần như "đóng băng" hoàn toàn. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân được tiêm vắc xin, nhu cầu đi lại tăng dần từ tháng 10-2021 đến nay.
Và không khí sôi động đã trở lại. Tỉ lệ đặt vé từ khoảng 10-15% đã tăng lên 90-100%, thậm chí nhiều chuyến bay còn rơi vào tình trạng overbooking (bán nhiều vé hơn số ghế trên máy bay). Không còn nghi ngờ gì nữa, sự náo nhiệt sẽ trở lại, được thẩm định qua dịp Tết Nguyên đán và lễ giỗ Tổ Hùng Vương.
Những ngày này nhân viên hàng không đã bắt nhịp trở lại thời gian làm việc từ 8-10 tiếng, sẵn sàng tăng ca để hỗ trợ check-in, đưa đón khách... Thậm chí, có thời điểm phải huy động thêm nhân sự từ Cam Ranh, Đà Nẵng bay vào hỗ trợ sân bay Tân Sơn Nhất. "Anh em trong ngành hay đùa đã trở lại cuộc sống cũ là đi sớm về khuya hoặc ngược lại. Mệt nhưng vui" - chị Hảo nói.
Tour biển đảo vẫn sẽ là sản phẩm du lịch chính của ngành du lịch Nha Trang - Khánh Hòa - Ảnh: MINH CHIẾN
Nhân viên an ninh bắt đầu vất vả
Tranh thủ đưa gia đình đi nghỉ lễ trước dịp 30-4 ở Phan Thiết, anh Tạ Thanh Bình, nhân viên an ninh trật tự ở sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết sẵn sàng với lịch trực trong thời gian cao điểm lễ và hè sắp tới. Đặc thù của ngành hàng không những lúc cao điểm người người đi chơi, gia đình sum họp nghỉ lễ, nhân viên an ninh phải duy trì 100% quân số nhằm phục vụ người dân đi lại an toàn.
Cũng như chị Hảo, anh Bình bồi hồi nhớ lại cảnh ngồi ở gác trực trước cửa ra vào nhà ga thời điểm dịch. Bây giờ, nhiều khi nhân viên an ninh không có thời gian ngồi nghỉ do khách rất đông. Người hỏi quầy check-in ở đâu, thủ tục như thế nào... dù ngoài nhiệm vụ nhưng an ninh sân bay vẫn xắn tay tham gia hỗ trợ khách nhanh chóng.
"Không chỉ khách nội địa mà sân bay bắt đầu xuất hiện những đoàn khách quốc đến tế từ phương Tây, Ấn Độ... ngày càng đông. Nhớ lại cảnh quạnh hiu lúc dịch và so sánh cảnh đông vui, tấp nập như hiện nay mới thấy sự hồi sinh nhanh chóng của hàng không" - anh Bình nhận xét.
Hàng ngàn nhân viên hàng không đang làm xuyên lễ với khí thế vào hội của ngành dịch vụ, phục vụ khách hàng. Sự đông vui, tưng bừng trong dịp lễ tại các sân bay chính là sự hồi sinh mạnh mẽ của hàng không và du lịch. Tiếng í ới gọi nhau qua bộ đàm của nhân viên hỗ trợ khách giờ chót, tìm khách cuối cùng ra máy bay... đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các sân bay.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 27-4, nơi hàng ghế ngồi đợi luôn chật cứng, khách phải ngồi bệt xuống sàn. Các quầy ăn uống trong sân bay, thậm chí mua vé vào phòng thương gia cũng chật ních người trong những ngày gần đây.
"Trận mở màn" 30-4
Ông Nguyễn Đình Hùng - tổng giám đốc Công ty Sags - cho biết hàng không đang "bừng tỉnh" trở lại nhanh hơn dự báo. Thậm chí Công ty Sags nhận được nhiều đề nghị hợp tác phục vụ các hãng bay quốc tế chở hàng mở đường bay đến Tân Sơn Nhất như Air Incheon, Ethiopian Airlines, Fits Aviation, Garuda Indonesia... tần suất 5-7 chuyến/tuần.
Ông Hùng khẳng định đã chuẩn bị chu đáo phục vụ khách dịp lễ 30-4. Dù có vài ngày khách đi lại trong đợt cao điểm nhưng là "điểm sáng" để hàng không bước vào trận đánh lớn dài hơi sắp tới là cao điểm hè và cạnh tranh bầu trời quốc tế khi các rào cản về kiểm soát dịch dần được gỡ bỏ. "Chúng tôi đang tăng tốc tuyển thêm nhân sự trong suốt thời gian qua. Khách đã đi lại đông lắm" - ông Hùng nói.
Vào giai đoạn cao điểm dịp lễ 30-4 và 1-5, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến tiếp nhận số chuyến bay tăng 20% so với ngày thường, đáp ứng nhu cầu đi lại của hơn 800.000 khách. Sân bay đã sẵn sàng nhiều kế hoạch, chuẩn bị giải pháp để chống ùn tắc trong dịp lễ sắp tới.
Trong khung giờ cao điểm, Tân Sơn Nhất khuyến nghị hành khách lưu ý sắp xếp thời gian đi lại để kịp chuyến bay. Các đơn vị cung ứng dịch vụ tăng cường nhân lực, thiết bị phục vụ, tự chủ động đặt xe trước khi chuyến bay hạ cánh.
Để bảo đảm chống ùn ứ, tại khu vực kiểm tra hành lý, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã bổ sung các máy an ninh soi chiếu. Đồng thời, cán bộ bộ phận này không được nghỉ phép và phải trực đủ quân số trong dịp cao điểm, nâng cao trách nhiệm hơn so với ngày thường...
Khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 27-4 - Ảnh: T.T.D.
Nha Trang: khách nhanh tay đặt tour hè
Ông Trần Minh Đức, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho biết hè là mùa cao điểm du lịch tại Khánh Hòa, trong đó tour biển đảo là sản phẩm ăn khách nhất. Dịp hè năm nay bên cạnh những sản phẩm, tour truyền thống thì các tour du lịch trải nghiệm bằng du thuyền, thuyền buồm hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách.
Theo đại diện Vinpearl Nha Trang, từ đây đến những tháng hè Vinpearl sẽ triển khai nhiều sản phẩm du lịch, khuyến mãi giá phòng. Hiện Vinpearl đang tiếp tục phối hợp với các đối tác gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airway, tạo nên những "liên minh" nghỉ dưỡng - hàng không - dịch vụ - lữ hành. Từ đó đáp ứng các chuyến bay nguyên chuyến, bay thương mại xuyên suốt quốc tế và nội địa, bằng những combo kỳ nghỉ trọn gói bao gồm vé máy bay - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí... để thu hút khách.
Tương tự, Công ty TNHH du thuyền Horizon Việt Nam cũng đưa ra tour du thuyền tham quan đầm Nha Phu. Tham gia tour này, khách có thể thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp với các resort nổi tiếng. Trong hành trình, du thuyền sẽ dừng chân ở đảo Hoa Lan để du khách ngắm hoa lan.
Đặc biệt, khách được trải nghiệm các hoạt động thể thao trên du thuyền như: cầu trượt nước, phao nổi thư giãn, chèo thuyền kayak, câu cá... Cũng khai thác các tour tham quan vịnh biển, bên cạnh tour hằng ngày, du thuyền Emperor, Sea Coral lại đưa khách đi ngắm hoàng hôn trên vịnh Nha Trang.
"Dịch COVID-19 đã khiến xu hướng du lịch của khách có nhiều thay đổi. Thay vì đi tour ào ào, du khách sẽ chọn những sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành... Chính vì vậy, việc phát triển các sản phẩm gắn với du thuyền là hướng đi khả quan, hướng đến sản phẩm du lịch chất lượng cao. Hiện các doanh nghiệp du lịch tại Nha Trang đang lên kế hoạch, chương trình khuyến mãi cho dịp hè sắp đến" - ông Đức nói.
Còn theo bà Lê Thị Hồng Minh - tổng giám đốc Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh, lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa đã tăng trở lại. Về bay nội địa, các hãng Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways đồng loạt tăng chuyến. Như Vietnam Airlines tăng lên 38 chuyến đường bay Hà Nội - Nha Trang, TP.HCM - Nha Trang lên 26 chuyến. Nhiều khách cũng đã bắt đầu đặt vé đi chơi vào dịp hè sớm để có giá rẻ và tránh tình trạng hết vé. (MINH CHIẾN)
Điểm du lịch xa Đà Lạt ra sức hút khách
Những tiểu cảnh tại Thung lũng Tình yêu (Đà Lạt) được cắt tỉa chuẩn bị đón khách tham quan - Ảnh: M.V.
Ông Trần Anh Khoa, chủ một khách sạn ở phường 2 (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ dịp Tết vừa rồi ông chỉ dám dọn dẹp và cho thuê phòng, không dám đầu tư vì chưa biết dịch sẽ ra sao.
"Nhưng nay đã có thể tuyển thêm nhân viên, làm mới nhiều hạng mục. Giới làm lưu trú hồ hởi lắm vì tin tưởng đã bước vào giai đoạn ngành du lịch phục hồi", ông Khoa nói và cho biết thêm: "Không tính dịp Tết và giỗ Tổ, hiện các ngày bình thường khách sạn đạt 60% công suất phòng, ngày cuối tuần đến 80%. Đợt lễ 30-4 đã hết phòng từ 20 ngày trước. Tôi còn nhận đặt phòng cho các khách sạn tốt ở vùng ven, đó cũng là hỗ trợ bạn cùng làm ăn".
Có lẽ, kỳ nghỉ lễ 30-4 là dịp để các điểm du lịch tại Đà Lạt bước vào mùa du lịch hè náo nhiệt như nhiều năm trước. Để hâm nóng không khí làm việc ngay trong giai đoạn chuẩn bị, đa số các điểm du lịch giảm giá vé vào cổng từ 30 - 50% trong tuần trước lễ.
Những khu du lịch nhỏ mới mở hoặc nằm ở những vị trí cách xa trung tâm Đà Lạt như Đức Trọng và TP Bảo Lộc liên tục quảng bá để gây chú ý với du khách. Các cơ sở kinh doanh du lịch ở các địa bàn này được xem là lựa chọn tốt khi Đà Lạt quá tải.
Đại diện Công ty Sandals Group cho rằng sự bùng nổ trong cao điểm du lịch 30-4 không chỉ giúp du lịch Đà Lạt trở lại quỹ đạo trước dịch COVID-19 mà còn giúp các địa phương lân cận Đà Lạt phát triển mạnh du lịch nhờ vào các chương trình cộng hưởng.
Bà Trần Thị Vũ Loan, phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết với công suất 35.000 phòng, đảm bảo đủ chỗ ở cho du khách lưu trú tại Đà Lạt. Dự kiến một tuần trước và trong lễ, Đà Lạt đón 180.000 lượt khách. Tuy nhiên, du khách cần đặt phòng từ trước. TP cũng dự trù những trường hợp du khách không có chỗ ở nên đã chuẩn bị một số chỗ ở miễn phí do người dân hảo tâm cung cấp.
Mặt khác, thông qua đường dây nóng, TP sẽ tiếp nhận, hỗ trợ du khách gặp khó khăn. Để hạn chế các sự cố trong tiếp đón, phục vụ du khách tại Đà Lạt, UBND TP Đà Lạt ban hành bộ tiêu chí về ứng xử văn minh trong ngành du lịch. Bộ tiêu chí này quy định một số hướng dẫn về chuẩn mực ứng xử áp dụng cho người dân và du khách tại Đà Lạt.
Ngoài ra, các quy định cụ thể dành riêng cho người làm dịch vụ du lịch cũng được triển khai và kiểm tra thường xuyên. UBND TP Đà Lạt kỳ vọng bộ tiêu chí sẽ thống nhất một cách tối thiểu phong cách phục vụ trong lĩnh vực du lịch tại địa phương, xây dựng hình ảnh thân thiện cho Đà Lạt. (MAI VINH)