Đào tạo phi công trên thiết bị mô phỏng bay tại học viện Hàng không Vietjet (ảnh tư liệu giai đoạn trước dịch)
Giữ chân nhân viên
Ngày 13-7, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan quản lý, các hãng hàng không đã tham dự diễn đàn trực tuyến "Triển vọng nghề nghiệp ngành hàng không" để đưa ra thực tiễn về nhân lực lao động hàng không tại Việt Nam hiện nay và triển vọng trong tương lai hậu COVID-19.
Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, phó tổng giám đốc Vietjet, hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Ngay từ khi dịch xảy ra, Vietjet đã thành lập "Ủy ban phòng chống Corona" và đã đạt được kết quả an toàn cho nhân viên và hành khách.
"Chúng tôi đã chủ động tìm nhiều giải pháp như tập trung mảng vận chuyển hàng hóa, ra mắt, nâng cấp hạng vé, dịch vụ mới, mở rộng danh mục đầu tư… nhằm duy trì hoạt động kinh doanh và giữ việc làm cho nhân viên. Vietjet rất tự hào là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới kinh doanh có lãi", bà Phương chia sẻ.
Theo bà Yến Phương, Vietjet đã đưa ra chính sách để giữ nhân tài, duy trì mức lương và phụ cấp cho người lao động nhằm chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi hậu COVID-19.
"Vietjet xác định đây là khoảng thời gian để tranh thủ đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân viên, đầu tư, lắp đặt thêm thiết bị mô phỏng bay, tăng cường đào tạo phi công, tăng cường đào tạo trực tuyến", bà Phương cho biết.
Các đại biểu dự hội thảo theo hình thức trực tuyến
Bà Sarah McSwiney, chủ tịch Hiệp hội Hàng không - Hàng không vũ trụ Úc, cho biết nhiều hãng hàng không nước này cũng gặp phải khó khăn trong đại dịch. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để phát triển mảng vận chuyển hàng hóa và mở rộng mạng bay nội địa.
Tương tự Việt Nam, hàng không Úc cũng đang tận dụng khoảng thời gian này để tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
"Chúng tôi khá lạc quan trong thời gian tới khi chiến dịch tiêm vắc xin đang được triển khai nhanh chóng và các biện pháp phòng ngừa an toàn vẫn đang được áp dụng", bà Sarah bày tỏ.
Thị trường lao động tiềm năng
Theo ông Nguyễn Quốc Phương, phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Chính phủ đã thông qua lộ trình phát triển Việt Nam thành địa điểm du lịch quốc tế, trong đó việc kết nối hàng không giữa Việt Nam và thế giới đóng vai trò cốt lõi.
Ông đề xuất thêm: "Sẽ có hàng nghìn việc làm mới trong những năm tới. Do đó, ngành hàng không cần định hướng tốt các khóa đào tạo ngay từ bây giờ để đáp ứng làn sóng bay mới trong tương lai gần".
Với chiến dịch tiêm vắc xin đang được đẩy mạnh, hàng không Việt Nam được dự báo sẽ quay trở lại mức trước dịch vào năm 2022, và bắt đầu tăng trưởng nhanh từ năm 2023.
Các tiếp viên của Vietjet luôn được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ để đảm bảo chất lượng làm việc tốt nhất mỗi chuyến bay - Ảnh: HT
Bà Yến Phương đánh giá với 100 triệu dân, thị trường Việt Nam đa phần là doanh số trẻ, có 22 sân bay và đang tăng cường cải tạo, xây dựng thêm các sân bay nên tiềm năng phát triển cực kì lớn và lúc nào cũng thiếu nhân sự chuyên ngành hàng không.
"Khi nghĩ về việc làm trong ngành hàng không, mọi người thường chỉ nghĩ đến những công việc phổ biến như phi công hay tiếp viên. Nhưng còn nhiều vị trí khác nhau trong ngành, từ kỹ thuật viên đến các chuyên gia kỹ thuật, khai thác điều phối, hỗ trợ, dịch vụ mặt đất cho đến chăm sóc khách hàng cũng như các vị trí quản trị, tài chính và hành chính khác…" bà Yến Phương cho biết.
Cũng theo bà, thị trường lao động hàng không Việt Nam rất tiềm năng, đặc biệt khi Vietjet tiếp tục mở rộng mạng bay trong và ngoài nước trong thời gian tới theo chiến lược phát triển dài hạn của hãng.
Ông Phạm Văn Hảo, phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cũng khẳng định nhân lực là vấn đề rất quan trọng và cục luôn ưu tiên phát triển để đảm bảo chất lượng nhân lực cho toàn ngành hàng không.