Hàng hóa tại các siêu thị TP.HCM đã dần ổn định sau gần một tuần "náo loạn" vì vận chuyển, phân phối ách tắc kể từ khi TP.HCM áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 - Ảnh: T.THANH
Tối 20-7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương cho biết buổi họp cùng ngày với Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các hệ thống nhà phân phối, bán lẻ cam kết tiếp tục tăng cường lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường TP.HCM.
Hệ thống siêu thị MM Mega Market đã tăng lượng hàng hóa dự trữ thiết yếu gấp 3-4 lần so với dự trữ hiện tại. Doanh nghiệp cũng cam kết sẽ tổ chức những xe hàng lưu động, chuyến hàng đồng giá 0 đồng để đưa hàng đến các vùng khó khăn do bị phong tỏa.
Với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn SATRA, lượng hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp tăng lên gấp 4-5 lần so với bình thường. Nguồn hàng dự trữ tại kho hiện nay đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong khoảng ba tuần, ít hơn trước một tuần và khẳng định giá cả được giữ ổn định từ đầu tháng 7 đến nay, chỉ một số mặt hàng có biến động khoảng 3-5% do chi phí vận chuyển tăng.
Tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, doanh nghiệp cho hay cũng đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu như gạo, đường, mắm, muối tại các hệ thống siêu thị khoảng 45 ngày bán hàng, trong đó tại các trung tâm phân phối là khoảng hai tháng.
Hệ thống cũng cam kết giá cả không tăng, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu trong danh sách bình ổn của thành phố. Hiện Saigon Co.op đang có lượng rau về thành phố bình quân khoảng 700 tấn/ngày, thịt là 150 tấn/ngày.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart + với khoảng 1.000 cửa hàng tiện ích và siêu thị đáp ứng 100-120 tấn thịt/ngày, 270-300 tấn rau củ/ngày, 50-70 tấn trái cây/ngày, 80-100 tấn thủy hải sản/ngày.
Hệ thống này cũng cho biết đang dự trữ lượng hàng hóa tăng 300% so với bình thường, tương ứng 40-60 ngày tiêu thụ do đang có 3 kho dự trữ hàng, gồm 2 kho ở TP.HCM và một ở tỉnh Bình Dương.
Đặc biệt, Hiệp hội Vận tải thành phố cho Tổ công tác biết đã bố trí 5.000 xe được cấp giấy thông hành, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị trong khâu lưu thông, vận chuyển. Hiệp hội cam kết không tăng giá và sẵn sàng hỗ trợ về chi phí vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.
Báo cáo của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công thương ghi nhận ngày 20-7 hàng hóa tại các hệ thống phân phối được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả ổn định.
Các hệ thống phân phối cũng tăng thời gian bán hàng để phục vụ người dân, tăng cường nhận đặt hàng qua điện thoại, qua online và giao tận nhà; áp dụng việc mua giới hạn một số loại hàng hóa được bình ổn giá để ngăn tình trạng người mua số lượng lớn để ra ngoài bán lại.
Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM và ngược lại tới các địa phương vẫn còn khó, "cần tiếp tục được tháo gỡ", Tổ công tác lưu ý.
Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng tổng lượng hàng hóa cung cấp cho toàn vùng và cho TP.HCM có thể đáp ứng đủ. Tuy nhiên, việc thiếu hay tăng giá cục bộ ở một vài khu vực của TP.HCM là có.
Do vậy, các cơ quan chức năng liên quan của thành phố cần nhận diện chính xác nhu cầu của địa phương, chủng loại, số lượng... cũng như cần xác định được các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng, từ đó đưa ra được các giải pháp và sự phối hợp với các ngành liên quan như nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải để giải quyết, xử lý, đặc biệt là ở khâu vận chuyển.