Hàng hóa khó qua chốt kiểm dịch

3 năm trước 281
Hàng hóa khó qua chốt kiểm dịch - Ảnh 1.

Nhiều địa phương đang có quy định phòng chống dịch khác nhau. Trong ảnh: tại một chốt kiểm soát ở một tỉnh phía Nam - Ảnh: NHẬT THỊNH

Nhiều bộ ngành đều khẳng định đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn lưu thông hàng hóa từ vùng dịch đi qua các địa phương được thuận lợi, song Bộ NN&PTNT cho hay thực tế doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều vướng mắc. Cần có đầu mối thống nhất để đảm bảo lưu thông nông sản.

"Cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, người lao động vướng nhiều vì không biết ai là người hướng dẫn, không biết đi đâu để nắm được thông tin, đi đâu mọi chốt đều chặn, như vậy làm thế nào để khơi thông được.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam

Khó tiêu thụ vì vận chuyển

Ông Nguyễn Quốc Toản - cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho hay không chỉ khó khăn trong việc xác định nông sản trong vùng dịch an toàn khi tiêu thụ, khó vận chuyển nông sản ra vùng dịch, mà còn vướng khi lao động trong vùng dịch bị cách ly nên thiếu nguồn lực duy trì sản xuất. 

Theo ông Toản, trong khâu vận chuyển, các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức khi không cho phép xe chở nông sản của địa phương khác đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh dù Thủ tướng đã yêu cầu không được ngăn sông cấm chợ nhưng do các địa phương nhận thức khác nhau về dịch bệnh nên ứng xử không đồng nhất. Trong khi đó, nông sản có tính thời vụ, tiêu thụ ngắn ngày nên việc chậm vận chuyển gây phát sinh chi phí, hư hao chất lượng và giảm giá trị...

Cũng theo ông Hoan, để tháo gỡ khó khăn, hiện một số địa phương như Bắc Giang đã đưa ra giấy thông hành, chứng nhận vải thiều đảm bảo phòng dịch, lái xe không bị nhiễm COVID-19 để vận chuyển thuận tiện. Tuy vậy, đây chỉ là "giấy phép" cấp huyện, nên cần phải có cách làm thống nhất trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng cho hay thời gian qua bộ này đã triển khai nhiều giải pháp song hiện không những vải ở Hải Dương và Bắc Giang, nhiều trái cây đến mùa vụ như thanh long, nhãn, xoài... do các địa phương kiểm soát rất chặt chẽ nên việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

Không nhất thiết yêu cầu mọi lái xe phải xét nghiệm

Trước sự sốt ruột của Bộ NN&PTNT, ông Hoàng Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) - cho biết bộ này đã phối hợp các ngành vận tải, y tế... xây dựng hướng dẫn gửi các tỉnh trong việc thu mua tiêu thụ nông sản hàng hóa ở các vùng đang có dịch, gồm việc chỉ đạo các đơn vị vận tải hàng hóa và nông sản khi đi qua vùng dịch, xây dựng phương án vận tải theo từng cấp độ để hỗ trợ lưu thông hàng hóa.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho hay từ năm 2020 đã có văn bản hướng dẫn công tác kiểm dịch biên giới, tính phương án vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ. 

Trong những đợt dịch tiếp theo, bộ tiếp tục có văn bản hướng dẫn công tác phòng chống dịch trong vận chuyển; hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp, bố trí các điểm giao dịch hàng hóa, tức là không nhất thiết yêu cầu mọi lái xe đều phải xét nghiệm mà có "vùng đệm" để vận chuyển hàng hóa, giải quyết được vận tải giữa các vùng dịch.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cũng thừa nhận việc vận chuyển hiện nay còn khó khăn, đặc biệt khi qua các chốt kiểm dịch có địa phương kiểm soát chặt khiến cho doanh nghiệp vận tải bị thiếu nguồn lực vì lái xe đi vào vùng dịch phải cách ly. 

Đại diện bộ này cho hay với những địa phương nào vướng mắc thì có thể thông tin tới sở giao thông vận tải để nhận hỗ trợ và đáp ứng yêu cầu vận chuyển.

Không thể mỗi ngành một giấy phép

Tiếp nhận ý kiến các bộ ngành, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay bộ vừa cử đoàn công tác đến các địa phương và thấy thực tế triển khai thực hiện lại rất vướng. "Ta ngồi đây bàn là vậy, nhưng tất cả các địa phương đều đang vướng. 

Công văn, văn bản thì có hết nhưng ở dưới các đơn vị nói không có hướng dẫn, doanh nghiệp phải lòng vòng qua các sở. Vậy có cơ chế nào để doanh nghiệp bên dưới họ đi được?" - ông Nam đặt câu hỏi.

Theo ông Nam, hiện có Lục Ngạn đã có cấp phép giấy thông hành cho thương nhân, lái xe vận chuyển đi qua các tỉnh. Nhưng cần thống nhất với đơn vị cấp là cấp tỉnh. Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ thống nhất cơ chế kiểm dịch, trong đó cơ quan y tế (sở y tế cấp tỉnh) sẽ có vai trò chính trong cấp giấy thông hành, thay vì mỗi bộ cấp một giấy phép sẽ "rất phức tạp" như hiện nay.

"Chuỗi hành trình nông sản của chúng ta khó khăn. Chúng tôi mong muốn với sự phối hợp y tế, giao thông, công thương để làm sao cho đợt vận chuyển tạo sự thông suốt, đưa nông sản đi càng nhanh càng tốt" - ông Lê Minh Hoan đề nghị.

Ông Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội khóa XIV):

Không được tùy tiện lập "quốc đảo riêng"

Địa phương ngăn chặn lưu thông không chỉ gây ách tắc tiêu thụ hàng hóa mà còn thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Hay với việc cách ly người từ vùng dịch đã có quy định rất cụ thể của Bộ Y tế, không thể một địa phương nào tùy tiện áp dụng như một "quốc đảo riêng".

Các bộ ngành liên quan đã ban hành các quy định về việc vận chuyển hàng hóa giữa các vùng có dịch, sẽ có "vùng đệm" để hàng hóa lưu thông thông suốt và tránh phải cách ly tài xế. Hay với những người đi từ vùng dịch về, yêu cầu phải khai báo y tế bắt buộc, quy định rõ với trường hợp F1, F2 cách ly thế nào đã có.

Cần phải có đơn vị điều phối, hướng dẫn rõ ràng từng việc, đảm bảo việc thực hiện thống nhất ở các địa phương cho từng hoạt động từ vận chuyển, lưu thông cho đến cách ly với các quy trình, quy chuẩn rõ ràng.

Đợt dịch lần này Chính phủ khen thưởng đi kèm với kỷ luật kịp thời. Chính quyền địa phương nào không thực hiện đúng quy định, "ngăn sông cấm chợ" phải chấn chỉnh ngay để đảm bảo tính nghiêm minh.

Bắc Giang đề nghị cho xe chở vải thiều đi Bắc Giang đề nghị cho xe chở vải thiều đi 'luồng xanh' không cần kiểm dịch

TTO - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các xe chở nông sản của Bắc Giang qua trạm nếu đáp ứng đủ các yêu cầu.

Nguồn bài viết