Lượng lớn ngao tự nhiên bị sóng biển đánh dạt vào khu vực bãi Cồn Lu thuộc vùng biển Giao Thủy, tỉnh Nam Định - Ảnh: K.LINH
Ngày 29-9, hàng trăm người dân tấp nập kéo đến khu vực bãi bồi thuộc biển Cồn Lu, xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định để nhặt ngao đang nằm xếp lên nhau hoặc bị sóng đánh dạt hẳn lên bãi, với số lượng ước tính hàng chục tấn.
Tranh thủ lựa những con ngao còn sống đang lẫn trong cát, chị Phùng Thị Nhẫn - người dân địa phương - hồ hởi cho biết bão không ảnh hưởng đến Nam Định nhưng lại mang theo nhiều "lộc trời".
"Từ sáng đến giờ, tôi nhặt được gần ba bao ngao rồi. Cũng không hiểu lý do gì mà ngao lại dạt vào bờ nhiều đến thế" - chị Nhẫn chia sẻ.
Người dân đổ xô ra bãi biển Cồn Lu để nhặt những con ngao còn sống - Ảnh: K.LINH
Tranh thủ nhặt ngao, anh Mai Văn Chuyển cho biết có nghe các cụ kể, thường sau các cơn bão thì ngao bị sóng đánh vào bờ, "nhưng từ lâu lắm rồi mới có đợt ngao dạt vào bãi biển của địa phương chúng tôi như thế này".
"Lúc tôi đến đây thì thấy cả trăm người đổ xô ra để nhặt ngao, nên bản thân cũng nhặt được gần một bao vì còn phải chọn con sống, lượng ngao chết chiếm phần lớn. Loại ngao này mỏng vỏ, còn gọi là ngao bông, ăn rất ngon" - anh Chuyển cho hay.
Người dân tranh thủ nhặt những con ngao còn sống để ăn hoặc đem bán - Ảnh: K.LINH
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 29-9, ông Trần Quang Hưng - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy (Nam Định) - cho biết ngao bị sóng đánh dạt vào bờ hoàn toàn là ngao tự nhiên và đây là trường hợp hy hữu, hiếm có.
Theo ông Hưng, qua ghi nhận thì thấy từ khoảng 18h ngày 28-9, tại khu vực cuối bãi bồi Cồn Lu xuất hiện tình trạng ngao bị sóng đánh dạt vào bờ, số lượng nhiều bất thường, có đoạn cả bãi dài hàng chục mét trắng màu vỏ ngao.
Lượng ngao dạt vào bờ biển Cồn Lu ước tính hàng chục tấn nhưng đa phần đã chết - Ảnh: K.LINH
Ông Hưng cũng cho biết hầu như những con ngao nhỏ bị sóng đánh dạt vào bờ đều đã bị chết, chỉ những con ngao to là có thể chịu đựng được sức đập của sóng nên còn sống. Người dân tranh thủ ra nhặt những con ngao sống về ăn và đem bán.
"Chúng tôi ước lượng có trên 30 tấn ngao bị sóng đánh dạt vào bờ biển" - ông Hưng cho hay.
Theo người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm đi biển, hiện tượng ngao bị dạt vào bờ như vậy không phải là hiếm, nhưng từ nhiều năm nay mới xuất hiện tại bãi biển này với số lượng lớn như vậy.
Loại ngao dạt vào bờ lần này thường gọi là ngao bông, có vân màu tím pha trắng trên thân và ngày thường hiếm khi đánh bắt được.