Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, để giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về độ an toàn của pin, LG, Samsung và SK đang tăng cường nỗ lực phát triển pin thể rắn và nhiều loại pin chống cháy nổ thế hệ tiếp theo khác. Tháng 3 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ đầu tư 117,2 tỷ won (84 triệu USD) trong 5 năm tới để phát triển pin an toàn.
Một quan chức của công ty Samsung SDI cho biết pin lithium-ion sử dụng chất lỏng làm chất điện phân, do đó sự thay đổi nhiệt độ và các tác động bên ngoài có thể khiến pin bị phồng lên và gây cháy. Ngược lại, pin thể rắn sử dụng chất điện phân thể rắn có thể giảm nguy cơ cháy nổ.
Samsung SDI đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất đại trà pin thể rắn vào năm 2027, trong khi SK On và LG Energy Solution đặt thời hạn lần lượt đến năm 2029 và năm 2030. Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định cử các quan chức cấp cao đến các nhà máy sản xuất pin sơ cấp và thứ cấp trên toàn quốc để kiểm tra độ an toàn.
Pin lithium sử dụng một lần được coi là nguyên nhân gây ra vụ cháy chết người tại nhà máy pin lithium của Aricell ở Hwaseong, tỉnh Kyunggi. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn lo ngại về độ an toàn của pin sạc dùng cho xe điện (EV), điện thoại di động, máy tính xách tay, năng lượng và hệ thống lưu trữ (ESS).
Trước đó, vào năm 2022, pin lithium-ion có thể sạc lại cũng được coi là nguyên nhân chính gây ra vụ hỏa hoạn lớn tại trung tâm dữ liệu của SK C&C ở Seongnam, tỉnh Kyunggi, dẫn đến sự gián đoạn tồi tệ nhất từ trước đến nay đối với các dịch vụ của Kakao.
Pin cũng được coi là vật cản để dập tắt đám cháy vì chúng gây ra sự thoát nhiệt. Do đó, việc phun nước vào ngọn lửa có thể làm tăng thêm nhiệt độ của pin và gây ra sự phát tán khí độc.
Các thành phố ở Hàn Quốc cũng đã tiến hành kiểm tra an toàn khẩn cấp các nhà máy sản xuất pin sạc trên địa bàn.