Hà Tĩnh: Chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất

1 năm trước 105
Chú thích ảnhNgã tư đường Nguyễn Du và đường Lê Ninh, thành phố Hà Tĩnh nước ngập sâu. Ảnh tư liệu: Công Tường/TTXVN

Nhằm chủ động bảo vệ hồ đập trên địa bàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh tiến hành điều tiết xả lũ một số hồ đập; tiến hành xả tràn tại các hồ Bộc Nguyên với lưu lượng 20m3/s, hồ Kim Sơn lưu lượng 15m3/s, Sông Trí lưu lượng 30m3/s. Ngoài ra, tại các đập Ma Leng, Đá Hàn tràn tự chảy với lưu lượng vừa.

Trước tình hình mưa lớn diện rộng, Thủy điện Hố Hô tiến hành xả lũ để bảo đảm an toàn cho thủy điện và vùng hạ lưu, với lưu lượng qua tràn là 57m3/s.

Trước khi tiến hành xả lũ, các đơn vị liên quan thông báo cho chính quyền địa phương, người dân chủ động phương án đối phó với tình trạng có thể xảy ra ngập úng cục bộ.

Mưa lớn thời gian kéo dài làm sạt lở núi ở tuyến Tỉnh lộ 551, đoạn qua huyện Kỳ Anh khiến người và phương tiện không thể lưu thông.

Lãnh đạo xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh cho biết, mưa to làm sạt lở ta luy dương Tỉnh lộ 551, đoạn từ xã Kỳ Phong đi xã Kỳ Trung khiến hàng trăm m3 đất, đá đổ xuống đường chiều dài khoảng 50m. Sạt lở khiến các phương tiện không thể lưu thông qua đoạn đường này.

Chính quyền các địa phương đang tích cực huy động lực lượng, phương tiện giải phóng đất đá; lập rào chắn, cắm biển cảnh báo mức độ nguy hiểm tại khu vực sạt lở.

Trước diễn biến mưa to, tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn ứng phó với mưa, lũ. Tỉnh yêu cầu, Giám đốc sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ triển khai ngay biện pháp khẩn cấp ứng phó với phương châm "4 tại chỗ" nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại.

Các đơn vị, địa phương quản lý công trình hồ đập, thủy lợi, thủy điện, đê điều tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, kịp thời phát hiện, xử lý sự cố ngay từ đầu; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Chính quyền địa phương tuyên truyền, nghiêm cấm người đi vớt củi, đánh bắt cá ở khu vực ngập lụt, sông suối để đảm bảo an toàn. Các huyện miền núi, vùng xung yếu chủ động phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và tổ chức di dời nhân dân đến nơi an toàn; hướng dẫn bà con triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả, lồng bè và diện tích nuôi trồng thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực nguy cơ bị ngập sâu; chủ động khơi thông trục tiêu để tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất; bố trí lực lượng, phương tiện tại địa bàn trọng điểm, xung yếu, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai.

Nguồn bài viết