Hà Nội đổi mới mạnh mẽ về cải cách hành chính

7 tháng trước 64
Chú thích ảnhNgười dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tại tầng 1-2 nhà N1 A-B, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ảnh tư liệu: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Hà Nội từng thuộc diện địa phương có chỉ số cải cách hành chính thấp. Tình trạng quan liêu, tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà nhân dân, doanh nghiệp những năm trước đây ở mức đáng lo ngại, khiến lãnh đạo thành phố nhiều trăn trở. Câu nói ví von cửa miệng của không ít người là “Hà Nội không vội” phần nào phản ánh tình trạng đó.

Vì vậy, những năm qua, thành phố luôn coi công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và đã có nhiều sự đổi mới mạnh mẽ. Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội lấy chủ đề của năm để hành động là “kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Tháng 12/2023, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 6745/QĐ-UBND về việc ban, hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2024 với mục tiêu hệ thống cơ quan nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi số và phục vụ người dân tốt hơn. Tính đến nay, tất cả các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2024; tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ trong quý I đảm bảo chỉ tiêu, yêu cầu đề ra.

Quý I/2024, thành phố đã ban hành 32 văn bản liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

UBND thành phố đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát phương án thực thi các Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; ban hành 7 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Đất đai, Giao thông vận tải, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở hữu trí tuệ; công bố sửa đổi bổ sung 5 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kế hoạch đầu tư. UBND thành phố cũng công bố Danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc các lĩnh vực: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Lâm nghiệp, Khí tượng, Thủy văn (bao gồm: công bố danh mục 72 thủ tục, bãi bỏ 73 thủ tục); ban hành 94 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Khoa học Công nghệ, Dân tộc, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.

Thành phố thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc tiếp nhận, giải quyết được giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ, công chức được kiện toàn tại bộ phận một cửa đảm bảo đáp ứng yêu cầu về năng lực, chuyên môn công tác, kinh nghiệm thực tế. 

Thành phố tiếp nhận, xử lý theo quy định 384 phản ánh kiến nghị về quy định hành chính được gửi đến qua đường dây nóng (số điện thoại 0243.934.6034), zalo, địa chỉ hộp thư điện tử ([email protected]) và trên cổng dịch vụ công Quốc gia. Ngày 28/2/2024, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 72/KH- UBND về việc rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính; triển khai công tác đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục; hoàn thiện chức năng đánh giá trực tuyến và tổng hợp, công khai kết quả đánh giá trên cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử.

Hiện nay, Hà Nội xác định ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính. Thành phố hoàn thiện một số cơ chế, chính sách về khai thác, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng lưu trữ dùng chung; hoàn thành triển khai hạ tầng số trong các cơ quan Nhà nước; triển khai cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố theo lộ trình để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; tăng chỉ số xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh.

UBND thành phố đã ban hành hành Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước; quy chế Quản lý, khai thác và chia sẻ dữ liệu; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn. Thành phố tiếp tục duy trì ổn định hạ tầng dùng chung, các hệ thống lớn phục vụ hoạt động nội bộ: hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tập trung 3 cấp, hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống họp trực tuyến đến 579 xã, phường, thị trấn;...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 01 của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Thành phố đang tập trung chỉ đạo triển khai việc xây dựng Trung tâm dữ liệu phục vụ triển khai chính quyền điện tử; Trung tâm điều hành thông minh (IOC), chỉ đạo phát triển dữ liệu điện tử. Đặc biệt, trong quý I/2024, thành phố đẩy mạnh thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản không dùng tiền mặt; xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng không dùng tiền mặt; thực hiện số hóa hộ tịch; thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt...

Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố tiếp tục triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung triển khai thực hiện chính sách giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với đơn vị đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp; chỉ đạo đẩy nhanh công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án để khẩn trương hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021- 2025 và có dự án mới đủ điều kiện bố trí vốn, khởi công công trình. UBND thành phố cũng tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền số; tiếp tục cải thiện, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIP AS.

Nguồn bài viết