Theo kế hoạch phòng, chống mại dâm và ma túy năm 2024, TP Hà Nội đặt ra mục tiêu triệt phá 3 tụ điểm phức tạp về mại dâm và đưa 1.700 lượt người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc.
Triệt phá 3 tụ điểm mại dâm phức tạp
Về chống mại dâm, TP Hà Nội đặt ra loạt chỉ tiêu cụ thể như: Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống mại dâm cho 2.000 người dân tại địa phương; 3.460 người tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 25.000 người lao động trong các khu công nghiệp; 37.800 học sinh tại các trường Trung học phổ thông; 55.500 sinh viên tại các trường Đại học, Cao đẳng và 34.000 học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
TP Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu 100% quận, huyện, thị xã và 100% xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm. 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố triển khai mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã; 100% tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời.
Tổ chức kiểm tra 2.460 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; các cơ sở có biểu hiện phức tạp về tệ nạn mại dâm phải kiểm tra ít nhất một lần.
Đặc biệt, thành phố cũng yêu cầu triệt xóa 3 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và không phát sinh điểm mới. 3 điểm nói trên là: ngã ba Ngọc Hồi - Liên Ninh (xã Ngọc Hồi - Liên Ninh) và tuyến đường Cầu Bươu - Phan Trọng Tuệ (xã Tân Triều - Tả Thanh Oai - Thanh Liệt - Vĩnh Quỳnh - thị trấn Văn Điển) với các hoạt động gội đầu thư giãn, tẩm quất, massage. Đường Giải Phóng (khu vực ngã ba bến xe Giáp Bát đến lối rẽ vào phố Đại Từ - phường Thịnh Liệt) là điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm tại địa bàn công cộng.
Duy trì không để tái hoạt động trở lại 8 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã triệt xóa gồm: Khu vực đường 32 (xã Đức Thượng, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức); quận Hà Đông có 2 điểm là Quốc lộ 6, khu vực bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa), Khu vực Chùa Tổng - La Dương (phường Dương Nội); đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy); đường Kim Giang (đoạn từ Cầu Tó đến đường Nghiêm Xuân Yêm thuộc địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì);
Đường ven sông Tô Lịch đoạn gần cầu Nguyễn Khánh Toàn (phường Cống Vị, Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, quận Ba Đình); phố Yersin - vườn hoa Pasteur (phường Phạm Đình Hổ) và Nguyễn Huy Tự - Trần Khánh Dư (phường Bạch Đằng), quận Hai Bà Trưng.
UBND TP cũng yêu cầu duy trì các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới; hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã 3 hội trên địa bàn các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông và triển khai nhân rộng tại các quận Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Trì,
Trong đó: tiếp cận, tư vấn cho 500 lượt người bán dâm; Ít nhất 60% người bán dâm có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, tư vấn tâm lý, pháp lý, sức khỏe, dạy nghề, tạo việc làm... giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Đưa 1.700 lượt người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc
Hà Nội đặt mục tiêu: 100% các trường học (THCS, THPT, trường dạy nghề..) trên địa bàn Thành phố được tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy. 100% Tổ dân phố/Thôn được tiếp cận thông tin truyền thông phòng, chống ma túy ít nhất 1 lần/quý. 100% người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được phát hiện, ra thông báo được lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định. 100% người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy được lập hồ sơ đưa vào quản lý người sau cai nghiện ma túy ở địa phương (trong năm 2024, lập hồ sơ quản lý tối thiểu 1.000 người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú).
Bên cạnh đó, thành phố cũng lập hồ sơ quản lý đối với 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, để giúp các trường hợp này tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
Lập 1.700 hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa người nghiện ma túy vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tích cực vận động đưa người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở cai nghiện ma túy của Thành phố.
Lựa chọn 1 mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú hiệu quả đăng ký với Ban Chỉ đạo 89 TP thực hiện trong năm 2024; đánh giá kết quả thực hiện cuối năm, đề xuất nhân rộng mô hình lựa chọn phù hợp.
Hà Nội cũng đặt rõ chỉ tiêu: điều tra, khám phá, xử lý hình sự 2.500 vụ án phạm tội về ma túy, trong đó có 45% số vụ mua bán trái phép chất ma túy; không để hình thành các điếm, tụ điếm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy liên quan đến dịch vụ kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy công khai ở các địa bàn công cộng, khu dân cư, trường học... gây bức xúc dư luận.
Đáng chú ý, thành phố xác định công tác đẩy mạnh chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng, chống ma túy từ ”truyền thống" sang "hiện đại", ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ; đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy nổi lên tại các địa phương như: phòng, chống ma túy liên quan đến không gian mạng; trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; phòng, chống ma túy "núp bóng" các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, sử dụng bóng cười (khí N2O)...
Phát huy công tác chủ động, quản lý, bám sát địa bàn trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân, khai thác tối đa hiệu quả của các hệ thống dữ liệu phục vụ công tác nghiệp vụ Công an và các yêu cầu quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phát huy vai trò, nòng cốt của lực lượng Công an xã chính quy trong công tác phòng, chống ma túy ngay từ cơ sở.
Rà soát, phát hiện, đưa vào quản lý đối tượng có biểu hiện "ngáo đá” để chủ động phòng ngừa, quản lý chặt chẽ không để các đối tượng hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật, ngăn chặn nguồn phát sinh các loại tội phạm...
Trên cơ sở đó xây dựng, hệ thống hóa thành bản đồ số và cơ sở dữ liệu về tình hình, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn; kịp thời nhận diện những thay đổi, diễn biến mới trong phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh cho phù hợp với từng tuyến, địa bàn trong từng giai đoạn, tình hình cụ thể, tuyệt đối “không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”...