Nhiều bạn trẻ từ 18-25 tuổi tham gia phiên giao dịch việc làm - Ảnh: H.Q.
Phiên giao dịch việc làm được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp thủ đô với thị trường lao động năm 2021 tại Trường trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) ngày 24-4.
Đây là cơ hội để các bạn sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và lao động trẻ tiếp cận thông tin thị trường lao động, phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng.
Phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội tổ chức thu hút 30 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tư vấn du học, xuất khẩu lao động với 1.750 chỉ tiêu lao động đa dạng khối ngành như kế toán, y tế, may mặc, cơ khí - hàn, xây dựng...
Nhiều bạn trẻ học nghề ôtô - nghề đang rất "hot" hiện nay - mong muốn mức lương 8-10 triệu đồng/tháng - Ảnh: H.Q.
Tại phiên giao dịch việc làm, số lượng lao động trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật được tuyển dụng là 815 chỉ tiêu, lao động trình độ đại học - cao đẳng là 582 chỉ tiêu và 332 chỉ tiêu dành cho lao động phổ thông.
Mức lương thấp nhất là 7 triệu đồng, cao nhất là trên 30 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, mức thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng/tháng có 380 chỉ tiêu. Đây là thu nhập dành cho các vị trí tuyển dụng có kinh nghiệm nhiều năm, chuyên môn cao như quản lý, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên...
Nhiều bạn trẻ tìm được việc làm ngay trong phiên giao dịch việc làm với mức lương từ 7-12 triệu đồng - Ảnh: H.Q.
Sinh viên khối ngành kỹ thuật mới tốt nghiệp ra trường, thợ kỹ thuật, kế toán, nhân viên văn phòng... có thể nhận mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng với 770 chỉ tiêu. Trong đó, có 350 vị trí việc làm thời vụ - bán thời gian, người lao động phổ thông làm công việc đơn giản, chưa yêu cầu chuyên môn kỹ thuật cao với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Hoan, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhận định lực lượng lao động tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn hạn còn lớn. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng năng suất lao động Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Hàng nghìn người lao động, học sinh, sinh viên tham dự Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp thủ đô với thị trường lao động năm 2021 - Ảnh: H.Q.
Để khắc phục, ông Hoan cho rằng muốn nâng cao được năng suất lao động, cải thiện thu nhập cho người lao động thì cần phải tổ chức đào tạo nghề bài bản, chuyên nghiệp ngay từ đầu tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trước khi khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đào tạo cho người lao động tại nơi làm việc.
Hà Nội là địa phương có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn nhất nước với gần 400 đơn vị. Các đơn vị này cung cấp trên 100.000 lượt lao động có tay nghề, kỹ năng cho thị trường. Cùng với đó, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm luôn nhận mức thu nhập cao.