Hà Nội tập trung phát triển và định vị thương hiệu 'Thành phố sáng tạo'

2 năm trước 267

Ngày 22/2, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, Thành ủy Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.

Phát triển CNVH là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô.

Chú thích ảnhThành ủy Hà Nội đặc biệt tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu "Thành phố Sáng tạo", "Thành phố vì hòa bình"... phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP cho Thủ đô.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, phát triển CNVH trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Việc phát triển CNVH là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”; đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong định hướng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước trong việc tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò động lực, là chủ thể sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và nhân dân...

Trong mục tiêu chung, Thành ủy Hà Nội xác định sẽ tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản… phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể.

Đến năm 2025, mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển CNVH vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành CNVH gắn với phát triển du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống chỉ tiêu thống kê, triển khai số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu số đảm bảo cho phát triển CNVH có tính liên thông và chuyên nghiệp; đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội; đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, các di tích quốc gia, di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long…; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố Vì hòa bình”, "Thành phố Sáng tạo". Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố.

Đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực; là "Thành phố sáng tạo" có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Doanh thu từ các ngành CNVH tăng dần qua từng năm, phấn đấu đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố.

Đến năm 2045, CNVH Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.

Để thực hiện các mục tiêu trên, đáng chú ý, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách như: Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm nguồn lực tài chính ổn định, bố trí nguồn vốn ngân sách thỏa đáng cho đầu tư phát triển CNVH, nhất là các hạng mục có tính chất nền tảng, chiến lược; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực CNVH cho phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống...

Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”; khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị…

Nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành CNVH, thành phố sẽ xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế thi tuyển, lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và CNVH có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; hỗ trợ trao truyền tri thức, kỹ năng, bí quyết; tạo lập môi trường nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, nhà trường gắn với thúc đẩy giáo dục mở, xây dựng nhà trường sáng tạo, hình thành thế hệ công dân sáng tạo - công dân toàn cầu.

Thành phố cũng xác định sẽ tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu "Thành phố Sáng tạo" của UNESCO với hàng loạt các biện pháp cụ thể như: Xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức tuần Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm; tổ chức mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ...

Nguồn bài viết