Hà Nội tiếp tục gỡ vướng thủ tục hỗ trợ nhóm lao động tự do

3 năm trước 417
Chú thích ảnhLãnh đạo phường Xuân La, quận Tây Hồ trao hỗ trợ nhóm đối tượng đặc thù.

Theo đó, đối với người lao động tự làm và làm việc tại các hộ kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị các đơn vị xét duyệt cho họ nếu đây là công việc đem lại nguồn thu nhập chính, mà bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, các đối tượng này phải đáp ứng đúng quy định tại Điều 5 của Quyết định số 3642/QĐ-UBND.

Điều 5 của Quyết định số 3642/QĐ-UBND quy định rõ, đối tượng lao động được hỗ trợ là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố; người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền (trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng). Điều kiện hỗ trợ là người lao động phải cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố, bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

Về nhóm lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); người lao động làm việc có ký kết hợp đồng lao động, nhưng không tham gia BHXH trong các hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND thành phố để trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ với đối tượng này để thống nhất áp dụng trên toàn quốc.

Đối với các trường hợp chưa đủ thời gian cư trú hợp pháp, Sở nêu rõ, người lao động tự do ngoại tỉnh được xem xét hỗ trợ theo quy định nếu đáp ứng đúng quy định tại Điều 5 của Quyết định số 3642/QĐ-UBND.

Đơn cử, người lao động tự do ngoại tỉnh đến cư trú trên địa bàn Hà Nội vào ngày 22/7/2021 và đến ngày 24/7 thì toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nghĩa là người lao động mới cư trú được 2 ngày ở địa bàn trước thời điểm giãn cách. Nhưng tính đến ngày 26/8, người lao động đã cư trú được hơn 1 tháng, nên họ thuộc diện được xem xét hỗ trợ.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đến cuối ngày 26/8, Hà Nội đã quyết định hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 716 tỷ đồng; trong đó, kinh phí từ ngân sách là hơn 574 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa là gần 142 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ đặc thù cho 282.552 đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền hơn 282,5 tỷ đồng.

Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từ thành phố Hà Nội và cơ sở và các ngành, đoàn thể, địa phương đã hỗ trợ cho gần 437.000 lượt người, hộ gia đình với số tiền 138 tỷ đồng.

Nguồn bài viết