Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới

3 năm trước 372
Chú thích ảnhNgày đầu tiên xe buýt, xe taxi được hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đây là những nội dung chính trong Chỉ thị số 08-CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, việc thực hiện có lộ trình nhưng không chủ quan, nóng vội với mục tiêu nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tốt an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Dự báo những nguy cơ khó lường

Chỉ thị số 08 nêu rõ, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Kết luận của lãnh đạo chủ chốt, Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã tập trung ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, nỗ lực cao nhất để cơ bản kiểm soát và ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn Thủ đô, địa bàn trọng yếu của cả nước, nhất là tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp...

Mục tiêu lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; tránh các tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo tiền đề khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, thời gian qua, đặc biệt là trong 4 đợt giãn cách xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đồng sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, xác định phương châm phòng, chống dịch từ sớm, từ xa và chuẩn bị các điều kiện ở cấp độ cao hơn với những giải pháp trúng, đúng để tránh bị động, bất ngờ khi tình huống xấu xảy ra. Do đó, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và bảo vệ an toàn cho Thủ đô.

Tuy nhiên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho rằng, tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, sẽ bùng phát các đợt dịch mới với các biến chủng mới. Nguy cơ này sẽ tăng cao khi cả nước thực hiện nới lỏng và cho phép các phương tiện vận tải hành khách hoạt động trở lại. Mặc dù Hà Nội đã cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi, nhưng số người trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi còn thấp, mới đạt khoảng 20%. Số người cao tuổi, người có bệnh nền không đủ điều kiện tiêm vẫn còn khá nhiều. Trong khi đó, hiện cũng chưa có vaccine tiêm cho người dưới 18 tuổi, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch và quản lý di biến động dân cư chưa được hoàn thiện. Dự kiến có hàng triệu sinh viên, người lao động, các nhà đầu tư, chuyên gia, doanh nghiệp từ các địa phương khác chưa hoàn thành công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ trở lại và hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới

Chú thích ảnhMột quán phở trên phố Hai Bà Trưng khá đông khách ngày đầu tiên mở cửa trở lại, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách và vách ngăn/tấm chắn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đề ra các nhóm nội dung, nhiệm vụ yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần nêu cao vai trò của chi bộ thôn, tổ dân phố, cán bộ, đảng viên tại cơ sở và nơi cư trú, sự vào cuộc một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa của hệ thống chính trị ở cơ sở, của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng và các lực lượng khác trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các biện pháp của người dân, theo dõi, giám sát di biến động dân cư, nhất là người từ các địa phương khác về thành phố. Các chi bộ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 190-CV/TU, ngày 30/8/2021 về tăng cường phân công cán bộ, đảng viên tham gia theo dõi, phụ trách từng hộ gia đình trong công tác phòng, chống dịch, tham gia phối hợp, kiểm soát di biến động dân cư.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của thành phố; đảm bảo mọi người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

Các địa phương, đơn vị thống nhất trong việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với lộ trình từng bước, chặt chẽ, phù hợp, khả thi, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an dân, an sinh, trật tự, an toàn xã hội. Về công tác y tế, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề nghị tập trung đầu tư, tiếp tục hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; rà soát trang thiết bị các trạm y tế xã, phường, thị trấn; có kế hoạch bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế (nhất là oxy) đầy đủ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm người dân được tiếp cận y tế sớm nhất; phối hợp với Bộ Y tế báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia đảm bảo phân bổ vaccine kịp thời để thực hiện tiêm phủ mũi 2 theo kế hoạch đã đề ra và sớm tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi trên địa bàn thành phố; tiếp tục duy trì công tác xét nghiệm tầm soát các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định của ngành y tế. Khi phát sinh F0 cần khẩn trương phong tỏa, cách ly, khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, truy vết nhanh, xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian ngắn nhất để xử lý kịp thời, kiểm soát hiệu quả…

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu thành phố cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng. Ngoài ra, phải đẩy mạnh thực hiện và kiểm tra, kiểm soát việc triển khai các chính sách, có giải pháp tổng thể, tiếp tục xã hội hóa công tác an sinh xã hội trong thời gian tới đảm bảo không bỏ sót đối tượng và không ai bị bỏ lại phía sau...

Nguồn bài viết