Đó là định hướng mà Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) Phạm Anh Tuấn chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm nhiệm vụ năm 2021 của Sở TTTT Hà Nội ngày 20/1.
“Trong công cuộc chuyển đổi số, doanh nghiệp có vai trò quan trọng, nhất là địa bàn như Hà Nội. Đây là giai đoạn thứ 2 mà ngành TTTT cần phát huy vai trò tiên phong. Trước hết là xây dựng hệ thống hạ tầng số, nhất là dùng chung hạ tầng; trong đó có việc nâng cao chất lượng hạ tầng 4G và thử nghiệm 5G. Đồng thời, Sở TTTT Hà Nội triển khai khai và hướng dẫn các đơn vị dùng chung nền tảng Make in Vietnam để tiết kiệm chi phí, tăng nhanh tốc độ số hóa”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Theo Sở TTTT Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 9.300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử với tổng doanh thu khoảng 12,8 tỷ USD, thu hút hơn 207.000 lao động. Đến ngày 31/12/2020, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 294 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; trong đó có 69 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn gần 32 triệu USD.
Trong năm 2020, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Do đó, năm 2021, Sở TTTT Hà triển khai và hướng dẫn các đơn vị của Thành phố thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến 2025, định hướng đến 2030”; kiến trúc Chính quyền điện tử TP Hà Nội; chương trình Chuyển đổi số TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
”Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông làm nền tảng cho phát triển Chính quyền điện tử TP Hà Nội; triển khai, nâng cấp và duy trì bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp; hướng dẫn các đơn vị áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; triển khai nâng cấp và duy trì Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC)...”, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở TTTT Hà Nội cho biết.