Dù thống nhất khai thác 1 chuyến xe giữa Hà Nội với Lạng Sơn mỗi ngày từ 14-10, nhưng đến nay bến xe Giáp Bát vẫn đóng cửa vì chưa có xe nào hoạt động - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Tại bến xe Giáp Bát sáng 20-10 chỉ có xe buýt hoạt động. Không có tuyến xe khách nào khai thác tới bến Giáp Bát. Đến 10h, có 2 cụ già được người nhà đưa đến bến xe để về Ninh Bình nhưng tuyến này chưa có xe khai thác nên đành quay về.
Theo ông Nguyễn Tất Thành - giám đốc bến xe Giáp Bát, từ ngày 14-10 bến xe này được khai thác 1 tuyến giữa Hà Nội với Lạng Sơn theo tần suất 1 chuyến/ngày, nhưng chưa có nhà xe nào đăng ký hoạt động. Bến xe đã mở cửa chỉ phục vụ xe buýt và duy trì 50% nhân viên tại bến.
Tương tự, tại bến xe Gia Lâm được khai thác 1 chuyến xe giữa Hà Nội - Hải Phòng mỗi ngày, nhưng chưa có nhà xe nào đăng ký hoạt động nên bến xe chỉ có xe buýt ra vào. Còn bến xe Nước Ngầm đến ngày 20-10 vẫn chưa có tuyến xe khách nào khai thác.
Khu vực xe tập kết đón khách tại bến Giáp Bát vắng tanh, trong khi ngày thường khai thác 900 chuyến xe/ngày - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Tại bến xe Mỹ Đình, trưa 20-10 không có xe khách nào đậu trong bến. Các quầy vé đều đóng cửa, chỉ có một số hành khách ngồi đợi chuyến xe về Cao Bằng.
Ông Lý Trường Sơn - giám đốc bến xe Mỹ Đình - cho biết từ ngày 14-10 đến nay bến xe này khai thác 2 tuyến Hà Nội - Cao Bằng và Hà Nội - Hà Giang bằng xe giường nằm với tần suất 1 chuyến/ngày.
"Do tần suất khai thác ít và điều kiện vẫn khắt khe nên hành khách ít đi xe. Hy vọng sau ngày 20-10 các sở giao thông vận tải tổng kết thí điểm, áp dụng quy định với điều kiện y tế của hành khách, tài xế thông thoáng hơn sẽ nhiều xe khai thác hơn", ông Sơn nói và cho biết bến xe mở cửa trở lại nhưng mỗi ngày chỉ khai thác 2 chuyến xe nên doanh thu không đủ bù chi phí hoạt động.
Với bến xe Yên Nghĩa, đến thời điểm này cũng chỉ có 2 tuyến xe khách giữa Hà Nội với Sơn La và Điện Biên khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày theo thống nhất của các sở giao thông vận tải.
Một số hành khách đợi xe buýt, xe khách tại bến xe Mỹ Đình - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Văn Bằng - giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát (Hãng xe Sao Việt chuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai ) - cho biết từ ngày 13-10, Hà Nội đồng ý thí điểm tuyến xe khách với Lào Cai nhưng phía Lào Cai chưa đồng ý cho xe khách đến vì nhiều nơi dịch vẫn phức tạp.
Ông Bằng chỉ ra thực tế là với một số tuyến đã khai thác, nhu cầu hành khách đi lại không nhiều, chỉ người có nhu cầu cấp thiết mới đi xe. Nhiều nơi vẫn phát sinh ổ dịch nên rủi ro trong hoạt động cao. Do vậy doanh nghiệp xe khách ngại khai thác trở lại bị thua lỗ thì càng thêm khó khăn.
"Nhiều địa phương tiêm vắc xin rất ít, tài xế chưa được tiêm đủ liều nên cũng lo lắng nguy cơ lây dịch từ vận tải. Nếu chuyến xe có F0 thì doanh nghiệp vận tải cũng rất mệt mỏi. Các nhà xe cũng chờ các địa phương tổng kết thí điểm, áp dụng quy định mới của Bộ Giao thông vận tải và tình hình dịch êm hơn để hoạt động lại mới hiệu quả.
Nghỉ dịch mấy tháng rồi giờ chờ thêm vài tuần, một tháng nữa để khai thác trở lại an toàn, hiệu quả vẫn tốt hơn chạy xe trở lại nhưng lỗ hoặc phải dừng vì dịch", ông Bằng nói.