Hà Nội hướng đến thành phố du lịch văn minh, nói không với thịt chó, mèo

1 năm trước 162

Thành phố Hà Nội và Hội An đều được đánh giá là điểm đến thân thiện và mến khách, là nơi du khách trong nước và quốc tế mong muốn tìm đến. 

Cách đây gần một năm, Hội An đã ký thỏa thuận hợp tác nói không với việc tiêu thụ thịt chó, mèo. 
Vậy với Hà Nội – thành phố vì hòa bình, nơi thu hút hàng triệu du khách, vấn nạn này xem ra cũng đến lúc cần chung tay loại bỏ.

Chú thích ảnhViệc tiêu thụ thịt chó, mèo đã gây những phản cảm nhất định trong mắt du khách, nhất là du khách quốc tế.

Trên thực tế, việc tiêu thụ thịt chó, mèo đã gây những phản cảm nhất định trong mắt du khách, nhất là du khách quốc tế. Chưa kể, một phần nguy cơ mắc bệnh dại cũng đến từ việc buôn bán, giết mổ chó, mèo. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, trên thế giới có khoảng 59.000 người chết vì bệnh dại và hơn 10 triệu người cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại. 

Tại Việt Nam, theo thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại, và khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn cần điều trị dự phòng bằng vaccine dại, với kinh phí ước tính lên đến hơn 300 tỷ đồng/năm. 

Từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo để tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (dại, xoắn khuẩn, tả…) cũng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho du khách và người dân.  

Anh Lê Quý Dũng, 45 tuổi, sống quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, chia sẻ: “Trước đây, thỉnh thoảng tôi cũng nhậu thịt chó mèo cùng bạn bè. Nhưng hiện tại các tụ điểm thịt chó còn rất ít. Theo tôi, con người ngày càng văn minh hơn, bắt nhịp với xu hướng phát triển hiện đại; thì việc ăn thịt chó mèo cũng sẽ giảm đi. Trong khi các cơ sở thịt chó mèo thường bẩn thỉu, thiếu vệ sinh, bản thân thực phẩm lại không được kiểm định, không những tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh mà còn làm mất hình ảnh đẹp của Thủ đô trong mắt du khách nước ngoài”. 

Liên quan đến việc giám sát bệnh dịch từ động vật sang người, ông Nguyễn Ngọc Sơn -  Chi Cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Hà Nội, cho biết: “Để hạn chế và kiểm soát được những bệnh lây truyền từ động vật sang người, cần phải có những biện pháp cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng như chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ… trong việc tổ chức thực hiện. Luật thú y số 79/2015/QH13 là một trong những văn bản pháp luật cao nhất hiện tại quy định vấn đề này. Trong Điều 16 quy định rõ việc giám sát dịch bệnh động vật nhằm phát hiện sớm dịch bệnh có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, các bệnh lây truyền giữa động vật và người”.

Như đã nhắc tới ở đầu bài viết này, tháng 12/2022,  UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) đã ký thỏa thuận hợp cam kết không tiêu thụ thịt chó, mèo với FOUR PAWS - tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu. 

Thỏa thuận này không những hướng đến phúc lợi động vật, mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây có thể được coi là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện phúc lợi vật nuôi thông qua các chương trình tiêm chủng và loại trừ bệnh dại, giúp ngăn bệnh dịch bùng phát; đồng thời, xây dựng Hội An là thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo. 

Anh Rory Fridger, khách du lịch đến từ Đan Mạch, cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đến Hà Nội. Tôi rất yêu mến con người nơi đây, luôn hiền hòa thân thiện. Sáng sáng đi bộ quanh Hồ Gươm tôi được ngắm nhìn người dân, các cụ già, gia đình, em nhỏ vui đùa, rất nhiều người đi cùng thú cưng, đó là một hình ảnh sẽ lưu lại trong tôi rất lâu. Tuy nhiên, có một lần tôi đi qua quán thịt chó, chứng kiến những con chó được đem ra làm thịt ngay cạnh lề đường một cách phản cảm và mất vệ sinh… Tôi nghĩ đây chỉ là thiểu số, tôi tin thói quen ăn thịt chó sẽ được người dân yêu hòa bình nơi đây loại bỏ nhanh chóng. Mong Hà Nội sẽ sớm nói không với thịt chó mèo như Hội An”. 

Chú thích ảnhTừ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo để tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (dại, xoắn khuẩn, tả…) cũng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho du khách và người dân.  

Theo một cuộc khảo sát của FOUR PAWS vào năm 2021, đa số người dân mong muốn Chính phủ cùng chung tay hành động chấm dứt vấn nạn giết mổ, buôn bán và tiêu thụ chó, mèo. Trong đó, có tới 91% người tham gia khảo sát cho rằng nên đưa ra khuyến nghị cấm, hoặc không khuyến khích việc buôn bán thịt chó, mèo; và 88% người Việt Nam ủng hộ việc cấm nạn buôn bán này. 

Để xây dựng một thành phố hòa bình, thân thiện, các công ty lữ hành cũng góp phần không nhỏ cùng chiến dịch chấm dứt vấn nạn buôn bán tiêu thụ thịt chó mèo.  Hiện đã có hơn 80 cam kết của các công ty lữ hành chung tay cùng với chiến dịch. Điều này cho thấy mong  muốn  chấm dứt vấn nạn này là của đông đảo tầng lớp công chúng.

Bà Vũ Hương Giang – Điều phối viên Bền vững của công ty du lịch Easia Travel VN, chia sẻ: “Trong quá trình làm việc với khách du lịch, bản thân tôi và đồng nghiệp cũng đã không ít lần phải đối diện với câu hỏi của khách hàng về việc ăn thịt chó, mèo tại Việt Nam. Câu hỏi này thực sự làm chúng tôi rất bối rối và khó giải đáp. Khi được biết tới FOUR PAWS và những hoạt động tích cực bảo vệ động vật, chúng tôi thực sự rất ấn tượng và đánh giá cao mục tiêu và tầm nhìn của các bạn. Hội An tiên phong nói không với việc buôn bán thịt chó, mèo vào tháng 12/2021 là một minh chứng cho tất cả những nỗ lực của FOUR PAWS”.

Trước đó, thành phố Siem Reap - Campuchia, một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới, sau khi thảo luận với FOUR PAWS, cũng có quyết định cấm buôn bán thịt chó, mèo vào năm 2020, và đang tiến hành thực thi lệnh cấm ở bước tiếp theo.

Chú thích ảnhKý tên ủng hộ chiến dịch “Đây không phải là Việt Nam – This is not Vietnam”.

Bà Ninh Thị Phương Thảo - Điều phối viên chương trình Chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam của FOUR PAWS, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích Hà Nội sẽ tiếp bước Hội An bắt tay thực hiện các bước cụ thể để chấm dứt vấn nạn buôn bán thịt chó, mèo, và sẽ  có những bước tích cực để thành công như thành phố Siem Reap ở Campuchia”.

Hiện tại, Four Paws đang hợp tác chặt chẽ với lãnh đạo thành phố Hội An để giúp đẩy mạnh tiến độ giải quyết triệt để vấn đề tiêu thụ thịt chó, mèo; đồng thời, đã phát động một chiến dịch khách du lịch viết thư gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, bày tỏ mối quan ngại về việc tiêu thụ chó, mèo. Điều đáng mừng là chỉ sau vài tuần phát động, đã có hàng ngàn thư được gửi đi. Đây là những sự ủng hộ mạnh mẽ để tiến tới chấm dứt vấn nạn này vì lợi ích của ngành du lịch và sự phát triển của xã hội.

Để tiến tới một Việt Nam thân thiện không thịt chó, mèo và bảo vệ phúc lợi vật nuôi, ngày 8/12 tới đây,  FOUR PAWS sẽ tổ chức buổi đối thoại với các bên hữu quan để thảo luận về các giải pháp cho vấn đề này.

Nguồn bài viết