Cảnh sát kiểm tra giấy đi đường của người dân - Ảnh: ANH HUẾ
Chiều 3-9, Công an TP Hà Nội đề xuất chủ tịch UBND TP phê duyệt kế hoạch cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian TP tiếp tục giãn cách xã hội.
Công an Hà Nội cũng cho biết đã hoàn thành và từng bước triển khai phần mềm cấp, kiểm tra giấy đi đường có nhận diện bằng mã QR Code cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Công an khu vực chờ hướng dẫn từ Công an thành phố
Sáng 4-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo công an phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết sáng cùng ngày, đơn vị đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ người dân và các tổ chức hỏi về việc làm giấy đi đường.
"Chiều nay Công an TP Hà Nội mới tổ chức họp trực tuyến với công an các quận, phường, xã... và có hướng dẫn chi tiết. Sau khi thống nhất về phương án, cách thức thực hiện, chúng tôi sẽ tổ chức tiếp nhận thông tin, danh sách và sẽ cấp giấy đi đường cho người dân, các tổ chức", vị lãnh đạo nói.
Chị Nguyễn Thu Dung (26 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau khi xem thông báo về việc Công an Hà Nội sẽ cấp giấy đi đường mới, chị cũng rất lo lắng về thủ tục làm giấy tờ.
"Hà Nội giãn cách thêm 2 tuần mà bây giờ mới tổ chức cấp giấy đi đường thì quá gấp. Hôm qua mới ra văn bản thông báo, nếu ngày 6-9 đã áp dụng kiểm tra thì tôi lo sợ không kịp làm giấy đi đường, không thể đến công ty làm việc và không biết khi ra đường phải xuất trình giấy tờ gì", chị Dung nói.
Theo chị Dung, sáng nay chị cũng đã liên hệ với công an khu vực nhưng họ cho biết đang chờ hướng dẫn từ Công an thành phố.
Doanh nghiệp lo ‘tắc đủ đường’
Lực lượng chức năng lập chốt kiểm tra giấy tờ đi đường của người dân - Ảnh: ANH HUẾ
Chị H. - quản lý một văn phòng đại diện của một công ty thiết bị y tế của nước ngoài tại Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) - lo lắng khi nghe thông tin việc cấp giấy đi đường sẽ do Công an TP Hà Nội triển khai cấp cho các đơn vị.
Cách đây hơn 1 tuần, doanh nghiệp chị vừa phải chạy đôn chạy đáo để làm giấy đi đường cho nhân viên. Tuy nhiên, với quy định này, toàn bộ giấy tờ xin cấp phép, phê duyệt trước đó đều "mất hiệu lực".
"Tuy vậy, khi tìm hiểu các đối tượng được cấp giấy đi đường, chúng tôi lo lắng vì không biết mình thuộc nhóm nào vì không có quy định nào cho doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân được xin giấy phép" - chị H. chia sẻ.
Tương tự, anh Q. - giám đốc một doanh nghiệp dược phẩm có trụ sở tại Nhân Chính (Thanh Xuân) - cho biết đang hết sức hoang mang và cho giám đốc nhân sự liên hệ công an phường để hỏi thủ tục và hướng dẫn làm sao có thể đăng ký xin giấy đi đường cho nhân viên.
Trong khi thông báo mới nhất của Công an Hà Nội cho biết sẽ áp dụng kiểm soát giấy đi đường ngay từ ngày 6-9, nhưng hai ngày tới lại rơi vào cuối tuần nên công ty cũng rất lúng túng để đưa ra kế hoạch đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Hiện tại, anh H. cho biết đang thông báo tạm thời cho cán bộ nhân viên nghỉ làm vào thứ hai để chờ thông tin và hướng dẫn chi tiết, có giấy đi đường rồi mới đi làm lại.
Các chuyên gia, doanh nghiệp đề nghị cần phải có hướng dẫn chi tiết và thống nhất để triển khai đồng bộ, cân nhắc áp dụng việc cho phép những doanh nghiệp đã triển khai tiêm vắc xin cho nhân viên được sử dụng phiếu tiêm vắc xin như "giấy đi đường".