Hà Nội chủ động phòng ngừa các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể

2 năm trước 196
Chú thích ảnhLãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thăm và động viên công nhân lao động ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Ảnh: TTXVN phát

Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, đời sống, việc làm của người lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau Tết đã xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể ở một số tỉnh, thành phố tiềm ẩn nguy cơ lây lan tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại các địa phương khác nói chung, trên địa bàn Hà Nội nói riêng.

Để chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quan hệ lao động, phòng ngừa, tham gia giải quyết hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần ổn định việc làm, đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước mắt, các cấp Công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn người sử dụng lao động tích cực quan tâm, chăm lo việc làm, thu nhập của người lao động; đồng thời vận động đoàn viên, người lao động sẵn sàng đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, tạo sự ổn định, phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Đối với các địa bàn có nhiều doanh nghiệp và người lao động, nhất là các khu công nghiệp và chế xuất, cần tăng cường chủ động kết nối giữa Công đoàn cấp trên cơ sở với các Chủ tịch Công đoàn cơ sở qua mạng Zalo hoặc thiết lập các hình thức kết nối phù hợp để nắm bắt, chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình tâm tư, nguyện vọng, chế độ chính sách đối với người lao động…, kịp thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng có những giải pháp xử lý hiệu quả ngay khi có tranh chấp lao động xảy ra.

Các cấp Công đoàn chủ động phối hợp, tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Công đoàn, người lao động, doanh nghiệp với lãnh đạo chính quyền đồng cấp để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, quan hệ lao động của các doanh nghiệp. Qua đó, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, các ý kiến kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, người lao động đến các cấp chính quyền, nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ Công đoàn cơ sở, doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Mặt khác, chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức các hoạt động đối thoại định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của pháp luật; xây dựng, triển khai các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể ngay tại cấp cơ sở.

Trường hợp có xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, các cấp Công đoàn cần kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp hỗ trợ, hướng dẫn Công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để xảy ra ngừng việc tập thể kéo dài, lây lan. Công đoàn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền đồng cấp rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tự phát xảy ra.

Nguồn bài viết