Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh tại Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN
Công văn nêu rõ qua theo dõi tình hình điều trị cho thấy người bệnh COVID-19 ở Hà Nội phần lớn là các trường hợp nhẹ và không triệu chứng, tuy nhiên người tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư giai đoạn cuối, bệnh lý tim mạch, người già…) thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm.
Tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà, đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi bổ sung, tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ, người sống chung, người cùng gia đình thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều cơ bản; thực hiện nghiêm chiến dịch cao điểm tiêm chủng mùa xuân từ ngày 29-1 đến ngày 28-2 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu hoàn thành việc tiêm phủ mũi bổ sung, mũi nhắc lại trong quý 1 năm 2022", ông Chu Ngọc Anh yêu cầu.
UBND TP Hà Nội giao rõ trách nhiệm cho Sở Y tế về việc đảm bảo đủ cơ số thuốc, vắc xin tiêm chủng phòng COVID-19; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các trường hợp trên; hướng dẫn, phối hợp với các địa phương để triển khai thực hiện đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng.
Chủ tịch UBND huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP nếu bỏ sót các trường hợp nguy cơ và kết quả tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn quản lý.
Hiện tỉ lệ bao phủ vắc xin đủ 2 mũi của Hà Nội với người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5%, tiêm bao phủ mũi 3 đạt gần 55%.