Hà Nam thông qua 5 Nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế - xã hội

3 năm trước 256
Chú thích ảnhCác đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiến hành biểu quyết thông qua Quy chế làm việc của Tỉnh uỷ Hà Nam khóa XX và 5 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy Hà Nam khóa XX, nhiệm kỳ 2020- 2025. Các nghị quyết gồm: “Xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; “Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính hướng đến xây dựng chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính giai đoạn 2021 – 2025”; “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; “Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ trọng tâm là du lịch và logictics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy cho biết, Quy chế làm việc của Tỉnh uỷ Hà Nam khóa XX đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các nội dung ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy; trách nhiệm cá nhân các ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ, bí thư, các phó bí thư, nhất là vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng.

Quy chế cũng quy định rõ quan hệ công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ với các đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp ủy, đảng ủy trực thuộc, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực đời sống - xã hội, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, điều hành, vai trò làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tránh tình trạng bao biện làm thay hoặc thoái thác trách nhiệm, dẫn đến vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng. Sau khi Quy chế được ban hành, các tổ chức đảng trực thuộc, các ủy viên Ban Chấp hành cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy trên mọi lĩnh vực công tác.

Về 5 nghị quyết chuyên đề, theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung nghiên cứu, thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, tồn tại, hạn chế; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan; phân tích, dự báo những thuận lợi, khó khăn, thách thức; bổ sung nội dung về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp… đảm bảo bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phù hợp với tình hình thế giới, trong nước và điều kiện của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị, theo chức năng, nhiệm vụ, điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị và tình hình dịch COVID-19 cần khẩn trương xây dựng kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Nguồn bài viết