Chăm lo người có công bằng nghĩa tình và trách nhiệm
Công tác chăm sóc người có công chuyển biến mạnh mẽ, tạo phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến các làng bản, thôn xóm. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Bên cạnh các chính sách của Đảng, Nhà nước, cộng đồng cũng đặc biệt quân tâm tới gia đình người có công, với nhiều hoạt động thiết thực. Tính từ năm 2010 đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận gần 6.500 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155.000 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng; tặng trên 124.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng; hơn 6 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng.
Chúng tôi đến thăm ông Tạ Tất Điền (71 tuổi), thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Thành phố Hà Nội), vào trung tuần tháng 7/2021, khi căn nhà 2 tầng của gia đình ông đang dần hoàn thiện. Ông Tạ Tất Điền là bệnh binh nhiễm chất độc hóa học khi còn chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trước đây, gia đình ông sống trong căn nhà rộng khoảng 40m2, mái ngói dột nát. Giai đoạn năm 2016- 2017, chính quyền cũng từng vận động ông Điền sửa hoặc xây mới nhà nhưng lúc đó còn quá khó khăn nên gia đình ông không làm.
Clip ông Tạ Tất Điền chia sẻ bên ngôi nhà đang được hoàn thiện vào dịp 27/7:
Nay với sự hỗ trợ của họ hàng, người thân nên ông Điền quyết định xây mới lại ngôi nhà. Ông Điền cho biết: Xây mới ngôi nhà hết vài trăm triệu đồng, nhưng được người thân giúp đỡ nhiều. Trong đó, gia đình ông Điền được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Ngân sách Nhà nước theo diện người có công và được Hội Phụ nữ xã Đan Phượng hỗ trợ thêm 4 triệu đồng.
Chị Bùi Thị Mai Anh, cán bộ phụ trách lĩnh vực Lao động Thương binh Xã hội tại xã Đan Phượng cho biết: Dịp tháng 7 năm nay, xã có 3 hộ người có công đang tiến hành hành xây nhà mới, nâng tổng số hộ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà lên 20 hộ. Trong dịp 27/7, xã cũng tổ chức đi thăm, tặng quà và tặng 10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng.
Bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Huyện có 7.257 người có công, gia đình chính sách, trong đó có trên 2.000 người có công, gia đình chính sách hưởng trợ cấp hàng tháng. Công tác chăm sóc người có công được chính quyền địa phương luôn đặc biệt quan tâm.
Cùng với việc chi trả nhanh, kịp thời các chính sách với người có công tại địa phương, trong thời gian qua, huyện bố trí nguồn lực hỗ trợ người có công, gia đình chính sách có nhu cầu sửa chữa, xây mới lại nhà. Năm 2014, huyện hỗ trợ 100 triệu đồng cho 5 hộ; đến năm 2016-2017 hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, huyện đã cấp hỗ trên trên 16,58 tỷ đồng hỗ trợ cho 492 hộ (xây mới 362 hộ; sửa chữa 130 hộ). “Sau đợt cao điểm đó, huyện Đan Phượng vẫn tiếp tục chính sách hỗ trợ chương trình xây mới, sửa chữa nhà bởi với nhiều gia đình nông thôn, ngôi nhà là một tài sản có giá trị cả đời người. Nhất là với gia đình người có công thì càng phải quan tâm hỗ trợ”, bà Đào Thị Hồng cho biết.
Chính vì vậy, năm 2018-2019, huyện tiếp tục hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng xây, sửa nhà cho 93 hộ; từ năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 hỗ trợ cho 66 hộ. Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách thì nguồn hỗ trợ từ địa phương cũng đa dạng tùy theo tình hình. Đơn cử như gia đình bà Hoàng Thị Hòa, là vợ liệt sĩ tại xã Thọ Xuân khi tiến hành xây mới được các tổ chức đoàn thể hỗ trợ ngày công, vật liệu xây dựng trị giá lên tới 140 triệu đồng. Theo thống kê, trong thời gian qua, các ngành, đoàn thể xã, thị trấn đã huy động ước tính hơn 1 tỷ đồng trực tiếp hỗ trợ thêm một số hộ người có công xây, sửa nhà ở.
Bên cạnh đó, trong các năm trước, hàng năm huyện Đan Phượng liên kết với các đơn vị bệnh viện, bác sĩ là người con của Đan Phượng tổ chức khám chữa bệnh cho người có công vào dịp 27/7 và phát quà trị giá 220.000 đồng/người. “Năm nay, do điều kiện dịch bệnh nên huyện không tổ chức khám chữa bệnh như mọi năm nhưng các cấp chính quyền,đoàn thể địa phương tổ chức đi thăm tặng quà theo những hình thức phù hợp”, bà Đào Thị Hồng cho biết.
Đan Phượng là điển hình về việc chăm sóc người có công trên địa bàn Hà Nội trong việc huy động các nguồn lực để chăm lo đời sống người có công. Theo Sở LĐTBXH Hà Nội, thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 88.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 950 tỷ đồng. Thành phố cũng đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 230/227 hộ gia đình người có công với kinh phí 8,1 tỷ đồng; tặng 2.876 sổ tiết kiệm...
Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa có trên 350.00 người có công, trong đó có gần 56.000 liệt sĩ, gần 44.000 thương binh, hơn 15.000 bệnh binh… Đến nay, hầu hết người có công với cách mạng và thân nhân người có công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở, 100% bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã được phụng dưỡng. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội,
Trong 7 năm (2013-2020), tỉnh Thanh Hóa đã vận động thu Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được gần 122 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách, hỗ trợ khám, chữa bệnh... Bên cạnh đó, đã vận động 1.003 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, hơn 99,8% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân ở nơi cư trú, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. Đến nay, tỉnh có 29.190 hộ thuộc diện được hỗ trợ, trong đó 10.502 hộ được xây nhà mới, 10.688 hộ được đầu tư sửa chữa nhà, với tổng kinh phí gần 633.840 tỷ đồng. Tỉnh đã thực hiện chế độ ưu đãi người có công và con của người có công trong giáo dục và đào tạo cho 9.467 lượt người, với tổng kinh phí thực hiện hơn 55 tỷ đồng.
Đây cũng là những hoạt động tri ân với người có công mà các tỉnh thành trên cả nước đang triển khai trong dịp này. Dù dịch bệnh không tổ chức được các lễ kỷ niệm lớn nhưng các chính quyền địa phương đã có những hành động thiết thực để động viên kịp thời, chăm lo động viên người có công, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch hiện nay.
Đưa chính sách đến với người có công nhanh nhất, đầy đủ nhất
Điểm mới trong dịp ngày 27/7 năm nay là nỗ lực triển khai đưa Pháp lệnh Ưu đãi người có công (NCC) sửa đổi năm 2020 vào cuộc sống. Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ, hơn 74 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi NCC được triển khai toàn diện, không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công (NCC) mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.
Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 có nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ, khả thi, bảo đảm chế độ cho người có công và thân nhân. Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng người có công và thân nhân như: Người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống…
Để sớm đưa Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 vào cuộc sống, Bộ LĐTBXH đã triển khai lấy ý kiến xây dựng, hoàn thiện 2 Nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Cả 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020 được tích hợp nhiều lĩnh vực liên quan đến chính sách người có công trước đó và được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 24/7. Theo đó, một số chế độ ưu đãi với người có công và thân nhân người có công được điều chỉnh nâng lên nên dự kiến kinh phí tăng thêm 800 tỷ đồng mới năm.
Ông Nguyễn Bá Hoan cho biết: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng. Thực hiện những cơ chế, chính sách tốt hơn với mục tiêu cao cả huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội chung tay cùng Nhà nước làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Điều đó vừa thể hiện tình cảm tri ân, trách nhiệm cộng đồng, vừa bảo đảm ý nghĩa thực tiễn của chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.
Do đó, các tỉnh thành căn cứ trên quy định mới của 2 Nghị định này để tổ chức triển khai đưa các chính sách người có công nhanh, đúng và đầy đủ nhất. Những nơi có dịch thì có hình thức để thăm hỏi, động viên, chăm lo phù hợp. Còn nơi chưa có dịch thì phải quan tâm với hành động thiết thực.
Theo Cục Người có công (Bộ LĐTBXH), mỗi năm, cả nước giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 6.000 đến 8.000 trường hợp, đưa trên 580.000 lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Giai đoạn 2012-2019, mức trợ cấp đã tăng lên khoảng 40%, năm 2018 là 1.515.000 đồng và năm 2019 là 1.624.000 đồng. Từ năm 2012 đến cuối năm 2019, về cơ bản cả nước đã hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở cho 393.707 hộ người có công trên cả nước, vượt mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW đề ra.
“Đến nay có 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99,5% xã/phường/thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công. Bộ phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết.