Theo Nikkei, tháng 6.2021, Senegal mở một trung tâm dữ liệu trị giá 70 triệu euro (khoảng 83 triệu USD). Trung tâm của quốc gia Tây Phi được xây dựng bằng một khoản vay từ chính phủ Trung Quốc và Huawei là đơn vị cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông.
Mỹ đang thúc giục các nước đồng minh loại trừ sản phẩm của Huawei ra khỏi mạng không dây 5G vì lo ngại về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế tại các thị trường mới nổi ở châu Phi và Trung Đông. Đơn đặt hàng đổ về Huawei vì thiết bị của hãng này rẻ hơn khoảng 20 đến 30% so với thiết bị của các đối thủ châu Âu như Ericsson và Nokia trong cùng phân khúc tính năng cao.
Huawei không từ bỏ việc mở rộng kinh doanh tại các nước phát triển, nhưng đã chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào các thị trường mới nổi bao gồm cả Đông Nam Á. Huawei cung cấp thiết bị viễn thông cùng các hệ thống liên quan cho nhiều nước. Một trong những trọng tâm của công ty là thành phố thông minh. Tính đến cuối năm 2020, Huawei được cho là đã tham gia vào dự án thành phố thông minh tại hơn 700 thành phố ở 40 quốc gia. Một trong những ví dụ nổi bật là Dubai, nơi Huawei tham gia vào hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng 5G, cung cấp “đèn đường thông minh” liên kết với camera an ninh và cảm biến nhiệt độ. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông cũng cung cấp một hệ thống kết hợp các trạm gốc 4G và camera an ninh ở Kenya.
Đứng sau Huawei là sáng kiến "Vành đai - Con đường". Dù Huawei nói rằng hoạt động kinh doanh của công ty không liên quan đến chính phủ, nhưng trên thực tế nhiều dự án thành phố thông minh ở châu Phi và các khu vực Trung Đông đều nằm trong sáng kiến này, nhận các khoản vay do chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn, trong đó Huawei là đơn vị thụ hưởng.
Điều đáng nói ở đây là nhiều nền kinh tế mới nổi đang phải gánh khoản nợ lớn với Trung Quốc và một số nước đang phải vật lộn để trả nợ. Mỹ và châu Âu đã chỉ ra kế hoạch cho vay của Bắc Kinh là “ngoại giao bẫy nợ”. Nếu các thị trường mới nổi trở nên cảnh giác và đề phòng hơn, thì hoạt động kinh doanh của Huawei ở những khu vực này có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.
Áp lực của Mỹ đã và đang phát huy tác dụng ở các nền kinh tế tiên tiến. Nhật Bản, Anh và Úc đã loại Huawei khỏi cơ sở hạ tầng 5G trong nước. Pháp và Đức tuy không nói rõ, nhưng cũng đang áp đặt các biện pháp khiến việc thâm nhập thị trường của Huawei trở nên khó khăn hơn. Mặc dù doanh số thiết bị viễn thông tăng mạnh cho đến năm 2020, nhưng Huawei đang dần mất thị phần vào tay Nokia và các đối thủ khác.
Doanh số bán hàng ở nước ngoài chiếm gần 70% tổng doanh thu của Huawei nửa đầu những năm 2010, nhưng đã giảm xuống còn 34% trong năm 2020. Hiện thị trường nội địa chiếm phần lớn doanh số bán hàng của công ty. Sau những hạn chế từ phía Mỹ kể từ năm 2019, Huawei dường như đang ngày càng dựa vào thị trường đại lục cho lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh và 5G.
Huawei đã phát triển hoạt động kinh doanh bằng cách mở rộng mạnh mẽ ra nước ngoài từ năm 1997. Hơn 30 năm kể từ khi thành lập, Huawei có gần 200.000 nhân viên tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một trong những thách thức lớn ở thời điểm hiện tại là liệu nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển ở nước ngoài và toàn cầu hóa hoạt động kinh doanh của mình hay không.