Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi - Ảnh: EPA
Ngày 15-9, báo Nikkei Asia tiết lộ ông Nhậm đã cổ vũ nhân viên "vượt mọi giới hạn" và thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho ngành công nghiệp mới nổi trong một buổi họp mặt hồi tháng 8-2021.
Phát biểu trước các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và thực tập sinh của Huawei, ông Nhậm khẳng định tập đoàn của ông sẽ tiếp tục phát triển công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời nỗ lực củng cố vị thế dẫn đầu trong công nghệ thế hệ tiếp theo.
Nhà sáng lập Huawei cũng thừa nhận các lệnh hạn chế thương mại do Mỹ áp đặt đã ảnh hưởng đến mảng kinh doanh điện thoại di động của họ. Ông Nhậm cho biết Huawei hiện không thể tiếp cận một số công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, trong đó có chip bán dẫn.
“Việc nghiên cứu 6G là bước dự phòng cho tình huống rủi ro bất ngờ, và chúng ta nhắm đến việc nắm giữ nền tảng của các bằng sáng chế 6G”, ông Nhậm nói với các nhân viên.
“Chúng ta không thể chờ cho đến khi 6G thành hình, vì chờ đợi sẽ hạn chế chúng ta khi thiếu bằng sáng chế”, ông nhấn mạnh.
Theo Nikkei Asia, Huawei đang nắm giữ một lượng lớn các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (SEP) cho công nghệ 5G. Điều này giúp mạng 5G của Huawei truyền dữ liệu nhanh hơn, có độ trễ thấp, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho bất cứ sản phẩm hay dịch vụ công nghệ nào.
SEP thường được cấp cho những công nghệ được sử dụng trong các tiêu chuẩn toàn ngành và cần thiết để sản xuất các thiết bị tương thích theo các tiêu chuẩn đó.
Dù còn sơ khai, 6G hứa hẹn mở ra nhiều tiềm năng khai thác trong tương lai, trong đó có các lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ và khoa học Trái đất. Giống như 5G, công nghệ này đã trở thành điểm nóng cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn.
Trung Quốc đã xem 6G là một trong những lĩnh vực quan trọng cần được ưu tiên đầu tư nghiên cứu, phát triển.
Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản cũng đang đổ tiền vào phát triển 6G, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ vệ tinh - một trong những điểm mạnh của Mỹ.
Dù vậy, Nikkei Asia nhận định cả Nhật Bản và Mỹ đều chậm chân so với Trung Quốc về phát triển và triển khai 5G.