Một cửa hàng Huawei ở Thâm Quyến, Trung Quốc - Ảnh: AFP
Trước Canada, các nước khác trong liên minh Ngũ Nhãn gồm: Mỹ, Anh, Úc và New Zealand đã cấm hoặc hạn chế các thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất trong mạng 5G. Lý do được các nước này đưa ra là những thiết bị của công ty Trung Quốc có "cổng hậu" cho phép an ninh Trung Quốc thu thập dữ liệu có thể đe dọa an ninh các quốc gia này.
Cấm cả Huawei và ZTE
"Chúng tôi sẽ thực hiện bất kỳ hành động nào cần thiết để bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông của mình", Bộ trưởng Khoa học và công nghiệp Canada François-Philippe Champagne tuyên bố ngày 19-5 (giờ Canada) và gọi việc cấm thiết bị Huawei là "bước đi đúng đắn".
Ottawa cũng thông báo sẽ cấm cửa ZTE, một hãng sản xuất thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc được cho là có bàn tay hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh.
Bộ trưởng An toàn công cộng Canada, ông Marco Mendicino, gọi động thái này là "bước đi cần thiết" trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoài nghi về độ tin cậy của Bắc Kinh. Trong nhiều năm, Canada đã phải đối mặt với áp lực từ các đồng minh, đặc biệt là Mỹ trong việc cấm thiết bị 5G của Huawei. Năm 2018, Canada thông báo sẽ xem xét bất kỳ mối lo ngại nào có thể xảy ra khi sử dụng thiết bị của Huawei.
Nhưng mọi quyết định đều bị trì hoãn sau khi giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ vào đầu tháng 12-2018.
Trong một động thái được nhiều người coi là trả đũa, Trung Quốc đã bắt giữ hai người Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor, sau đó buộc tội là gián điệp.
Căng thẳng ngoại giao sau đó được đẩy lên cao, khiến vấn đề thiết bị 5G của Huawei bị gác lại từ đó đến khi Canada phóng thích bà Mạnh và nhận hai công dân được Trung Quốc trả tự do.
Một số ý kiến cho rằng Canada đã trì hoãn vì lo ngại động thái cấm cửa Huawei có thể gây nguy hiểm cho hai công dân bị bắt hoặc châm ngòi cho các hành động trả đũa khác của Bắc Kinh. Bộ trưởng Champagne từ chối trả lời khi được hỏi liệu có phải Ottawa đã cân nhắc thời điểm và phản ứng của Trung Quốc trước khi đưa ra quyết định, theo Đài CBC của Canada.
Gáo nước lạnh mới với Trung Quốc
Với một số người hy vọng quan hệ Trung Quốc - Canada sẽ cải thiện sau vụ căng thẳng liên quan bà Mạnh Vãn Chu, động thái mới của Canada được ví như gáo nước lạnh.
Trước ngày Ottawa công bố lệnh cấm Huawei, Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh hạn chế nhập khẩu hạt cải dầu Canada - một trong những biện pháp trả đũa khi bà Mạnh bị bắt. Nền kinh tế số hai thế giới chiếm khoảng 40% lượng hạt cải dầu xuất khẩu của Canada trước năm 2019.
Có lẽ vì điều đó, Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh đã tự tin gọi hành động của Ottawa là "thiếu khôn ngoan" đồng thời chỉ trích Canada tiếp tục "hùa theo" Mỹ mà quên mất lợi ích quốc gia của mình.
Trong cuộc họp báo chiều 20-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tiếp tục chỉ trích quyết định của Canada, cáo buộc nước này vi phạm nền kinh tế thị trường và các quy tắc thương mại tự do. Theo ông Uông, Trung Quốc sẽ đánh giá vụ việc một cách toàn diện và nghiêm túc, đồng thời sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada cho rằng "cái gọi là "an ninh" của Canada chẳng qua là cái cớ để ngụy biện cho các hành động chính trị", đồng thời cảnh báo hành động "sai trái" của Canada chỉ gây hại cho chính nước này.
Các hạn chót
Theo trang web của Chính phủ Canada, hạn chót để các công ty nước này loại bỏ các thiết bị 5G của Huawei và ZTE là ngày 28-6-2024. Họ cũng sẽ phải loại bỏ bất kỳ thiết bị 4G hiện có nào do hai công ty trên cung cấp trước ngày 31-12-2027. Chính phủ Canada cũng khuyến nghị để tránh thiệt hại, các công ty nên ngừng mua thiết bị 4G hoặc 5G mới từ Huawei và ZTE từ sau tháng 9 năm nay.