Bao giờ triển khai?
Theo đề án, Hà Nội dự kiến thu phí vào nội đô chia làm 3 giai đoạn và bắt đầu thí điểm từ năm 2024 trên 9 trục đường nội đô có lưu lượng giao thông lớn, có nguy cơ ùn tắc cao. Đến ngày 30/11/2025 báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3.
Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030) sẽ mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Giai đoạn 3 (sau năm 2031): Giai đoạn mở rộng vùng thu phí phía bờ Bắc sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Dự kiến nếu thu phí sẽ có khoảng 55% người sử dụng phương tiện chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ô tô con, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí. Việc thu phí không đặt mục tiêu lợi nhuận, để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì đường xá hàng năm.
Để triển khai thu phí, đề án nêu rõ, ngoài việc xây dựng các trạm thu phí tạo thành vành đai thu phí khép kín, cần đảm bảo điều kiện về công nghệ thu phí như: Số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và trang thiết bị trên các phương tiện giao thông để có thể thực hiện được thu phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội); đảm bảo không ùn tắc giao thông tại các khu vực thu phí. Bên cạnh đó, hệ thống vận tải công cộng đảm bảo đủ năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân sau khi họ quyết định chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.
Kết quả khảo sát trực tuyến về thu phí nội đô trên trang web của Sở GTVT Hà Nội, Tramoc và qua mã QR truy cập đường link khảo sát tại các địa điểm công cộng cho thấy: Đến ngày 10/10/2022, trong số 1.028 phiếu khảo sát, có 39,7% ủng hộ thu phí nội đô; 33,2% ủng hộ có điều kiện và 27,1% không ủng hộ việc thu phí.
Về vấn đề này, theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, bản chất phí thu phương tiện cơ giới vào một số khu vực để giảm ùn tắc giao thông là một khoản thu mà người sử dụng xe ô tô sẽ phải chi trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông trong một khoảng thời gian quy định. Loại phí này do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xem xét, ấn định trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, nhằm thiết lập một dịch vụ điều tiết giao thông bằng công cụ kinh tế (thông qua việc tự giác thay đổi hành vi của các chủ thể tham gia giao thông, khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương thức có nguy cơ gây ùn tắc giao thông cao sang phương thức hiệu quả hơn như giao thông công cộng...).
Cần hoàn thiện giao thông công cộng trước
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc thu phí vào nội đô là cần thiết, tuy nhiên chỉ nên triển khai khi giao thông công cộng hoàn thiện. TP Hà Nội cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân để có kết quả khảo sát thực tế chính xác, tạo sự đồng thuận cao, tránh việc gây phản cảm và bức xúc khi triển khai; đồng thời, cần tính toán lại thời gian thu phí vào giờ cao điểm để các chủ phương tiện chủ động điều tiết, hạn chế di chuyển, tránh ùn tắc giao thông.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, đã đến lúc phải đặt ra vấn đề kiểm soát phương tiện ô tô vào nội đô. Song, có nhiều vấn đề phải xem xét, trong đó có việc tổ chức giao thông, luồng tuyến, đặc biệt là vị trí đặt điểm/trạm thích hợp mới đảm bảo hiệu quả. Hà Nội nên chọn lập trạm thu phí ở những vị trí thích hợp nhất, đầu mối giao thông và đặc biệt phải xác định được các khu vực hạn chế giao thông phù hợp. Trước hết nên lựa chọn thí điểm 4 quận lõi: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm.
Còn TS Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia chia sẻ, việc thu phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây là việc nhiều nước đã triển khai, Hà Nội cũng đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng khó thực hiện do mạng lưới giao thông công cộng vẫn chưa hoàn thiện, còn nhiều tuyến đường sắt đô thị chậm triển khai. Khi giao thông công cộng chưa thuận tiện, người dẫn sẽ vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân. Thêm vào đó, ùn tắc giao thông hiện nay không chỉ diễn ra trong nội đô, mà còn ở ngoài trung tâm thành phố.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội cần phải đánh giá được tác động cụ thể đến chủ phương tiện. Khi hạn chế ô tô vào nội đô, cơ quan chức năng bố trí bãi đỗ xe thế nào? Giao thông công cộng ra vào nội đô đáp ứng được việc đi lại thuận tiện không? Mức phí vào nội đô cần quy định phù hợp với đại đa số người dân?... Do đó, các cơ quan xây dựng đề án cũng phải tham mưu giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình áp dụng.