HoREA ‘phản pháo’ ý kiến của đại biểu Quốc hội

2 năm trước 185
HoREA ‘phản pháo’ ý kiến của đại biểu Quốc hội - Ảnh 1.

Các dự án trên đất nông nghiệp tại Lâm Đồng - Ảnh: M.VINH

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch HoREA - cho biết nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến quan ngại đối với nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 điều 75 Luật đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 23 Luật nhà ở 2014 "cần được quan tâm xem xét, lý giải thật thấu đáo" nên phía hiệp hội lập tức phản hồi.

Theo ông Châu, trước các quan ngại liên quan đến việc chuyển đổi đất không qua đấu giá sẽ tạo kẽ hở cho doanh nghiệp thâu tóm đất đai của các đại biểu, hiệp hội nhận thấy doanh nghiệp muốn đi mua đất nông nghiệp thì phải "có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" và đất nông nghiệp đó phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và không thuộc trường hợp bị thu hồi đất. Đồng thời, doanh nghiệp phải có đủ điều kiện được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

Sau khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường theo quy định tại điều 112 Luật đất đai 2013.

"Nếu các địa phương thực thi pháp luật về đất đai chặt chẽ, nghiêm túc thì sẽ không xảy ra chuyện doanh nghiệp đi gom đất nông nghiệp, thâu tóm đất nông nghiệp quy mô lớn" - ông Châu cho hay.

Đối với nhận định về sự không công bằng giữa quyền chuyển đổi đất của doanh nghiệp và người dân khi người dân muốn chuyển quyền sử dụng sang đất ở thì phải thông qua đấu giá, trong khi nếu sửa điều luật này thì doanh nghiệp lại không cần khâu này nữa, hiệp hội nhận thấy ý kiến này "chưa thật chính xác".

Theo ông Châu, điều 118 Luật đất đai 2013 quy định cụ thể 8 trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, 9 trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất và không quy định "người dân muốn chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở thì phải thông qua đấu giá" như ý kiến quan ngại của đại biểu Quốc hội.

Trước vấn đề đại biểu đặt ra là có hay không có "lợi ích nhóm" hoặc khả năng xảy ra "trục lợi chính sách" trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 23 Luật nhà ở, ông Châu cho rằng "Hiệp hội nhận thấy, không có lợi ích nhóm, hoặc không có khả năng xảy ra "trục lợi chính sách" trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 23 Luật nhà ở 2014, bởi lẽ việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 23 Luật nhà ở 2014 là nhằm để đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ, tính hệ thống của các quy định pháp luật".

Theo ông Châu, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xây dựng, hoàn thiện các phương pháp định giá đất để xác định "giá đất cụ thể" để làm căn cứ tính "tiền sử dụng đất, tiền thuê đất", hoặc để xác định "giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất", đảm bảo nguyên tắc việc định giá đất "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường" để đảm bảo không thất thu ngân sách nhà nước, không thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai...

Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị nhiều vấn đề, giải trình thêm các ý kiến mà đại biểu Quốc hội nêu và đề xuất thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 23 Luật nhà ở 2014.

Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, Chính phủ có tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật và các đại biểu Quốc hội đã thảo luận các vấn đề liên quan đến dự án luật này.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Dự án luật sẽ được Quốc hội biểu quyết vào ngày 11-1.

 Đại biểu Quốc hội: 'Để được đấu nối truyền tải điện, nhà đầu tư phải chi tiền tỉ'

TTO - Chỉ ra thực tế doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào truyền tải điện gặp khó khăn khi làm các thủ tục đầu tư, đấu nối, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm sửa đổi quy định về 'độc quyền truyền tải'..

Nguồn bài viết