Người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại thành phố Mumbai, Ấn Độ, ngày 6-5 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, cam kết được đề cập trong bản thảo cho một cuộc họp của G20. Nếu được thông qua, nỗ lực này có thể bơm gần 20 tỉ USD vào kế hoạch phân phối đang được WHO triển khai.
Các nhà ngoại giao và chuyên gia tiếp tục bàn luận về bản thảo trên trong cuộc gặp ngày 6-5. Bản thảo sẽ tiếp tục được chỉnh sửa trước khi G20 tổ chức cuộc họp thượng đỉnh về y tế toàn cầu tại Rome, Ý ngày 21-5.
Tài liệu này cho biết lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu cam kết hành động khẩn trương trong năm nay để đẩy mạnh việc tăng năng lực sản xuất cho các loại công nghệ chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, bản thảo trên vẫn để ngỏ vấn đề liên quan tới việc bỏ bản quyền đối với công nghệ sản xuất vắc xin ngừa COVID-19.
Theo nội dung bản thảo, các lãnh đạo sẽ cam kết “sẽ tài trợ công bằng và đầy đủ cho Chương trình hợp tác toàn cầu ứng phó COVID-19 (ACT-A)”. ACT-A được lập ra với mục tiêu đảm bảo người dân trên toàn thế giới được tiếp cận với vắc xin, thuốc men và xét nghiệm COVID-19.
Kế hoạch trên được khởi động từ tháng 4-2020 và đến nay vẫn chưa nhận được đủ tài trợ. Trong hơn 34 tỉ USD cần gây quỹ, ACT-A vẫn thiếu 19 tỉ USD để chi cho việc phân phối vắc xin và thuốc men khắp thế giới.
Ở một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng ủng hộ bỏ bản quyền đối với các loại vắc xin ngừa COVID-19. Ông Biden đã đưa ra quyết định này trước áp lực từ các nghị sĩ Dân chủ Mỹ, cũng như hơn 100 quốc gia khác.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Biden đã chọc giận các công ty dược phẩm.
Sau tuyên bố từ phía Mỹ, người phát ngôn của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres nói ông hi vọng các nhà sản xuất vắc xin sẽ cùng nhau chia sẻ bản quyền.
Theo ông Dujarric, ông Guterres đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc bỏ bản quyền đối với vắc xin ngừa COVID-19.