'Hay mình cũng làm?' và Hello Mù Cang Chải xây trên đồi hoang

3 năm trước 3255
Hay mình cũng làm? và Hello Mù Cang Chải xây trên đồi hoang - Ảnh 1.

Vợ chồng Giàng A Dê ở La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái mở homestay xinh xắn mang tên “Hello Mù Cang Chải” - Ảnh: NAM TRẦN

Bao đời nay không biết chữ, không biết nói tiếng Kinh, thấy con trai quyết chí xây nhà trên ngọn đồi hoang, bố mẹ A Dê lắc đầu: "Quả đồi ấy từ trước đến giờ chưa có ai sinh sống được. Người Mông chưa trồng được ngô, khoai, sắn".

Nhưng vợ chồng A Dê vẫn quyết tâm dựng nhà, sau 3 năm homestay xinh xắn "Hello Mù Cang Chải" nức tiếng một vùng ra đời.

"Hello Mù Cang Chải"

Thấy khách mải miết nhìn ngắm những tia nắng vàng óng ánh trải xuống thửa ruộng bậc thang trước mặt, chị Lỳ nhẹ nhàng đặt tách trà mật ong rừng bên chiếc bàn gỗ nhỏ xinh. Một lát sau, chồng chị - người đàn ông có làn da rám nắng khỏe khoắn mặc chiếc áo người Mông - đỗ chiếc xe gắn máy trước cổng nhà, quệt mồ hôi ướt sũng, nói: "Mình đang làm hai bungalow sắp sửa đón khách".

Từ đoạn đường bêtông, chúng tôi bỏ chiếc xe gắn máy lại bên đường rồi ngược con dốc dẫn lên ngôi nhà trên đồi cao. Giàng A Dê, người dân tộc Mông, 31 tuổi, ở La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là chủ nhân homestay xinh xắn mang tên "Hello Mù Cang Chải". Trước mặt là ruộng bậc thang vàng óng, như một lời mời gọi, homestay "Hello" đón chào du khách đến thăm thú "xứ Mù" vào thời điểm đẹp nhất trong năm.

Tốt nghiệp đại học, A Dê đầu quân cho một tập đoàn viễn thông và được công tác tại địa phương. Bốn năm ròng rã, bất kể ngày mưa hay nắng anh đều cần mẫn làm tốt công việc được giao, nhờ thế có thu nhập khá ổn định. Một ngày, vợ anh - chị Vàng Thị Lỳ - kể cho chồng nghe câu chuyện về những người Mông làm homestay ở thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai rất giỏi. Chị nung nấu ước muốn cùng chồng làm điều gì đó cho bản thân, cho con cái sau này trên chính mảnh đất mình sinh ra.

Hay mình cũng làm? và Hello Mù Cang Chải xây trên đồi hoang - Ảnh 2.

Homestay xinh xắn "Hello Mù Cang Chải" - Ảnh: NAM TRẦN

"Hay là mình cũng làm?", A Dê nghe vậy liền gật đầu ủng hộ ngay. Việc đầu tiên là cần tìm đất dựng nhà. Anh Dê chọn một ngọn đồi hoang trên mảnh đất La Pán Tẩn, cách trung tâm huyện hơn 10km đường đèo. 

"Người ta quan niệm làm dịch vụ, homestay, nhà nghỉ là phải làm ngay cạnh đường mới thu hút được khách. Nhưng vợ chồng mình vẫn quyết định làm", chị Lỳ, vợ của A Dê, bộc bạch.

Tháng 2-2017 hai vợ chồng bắt tay vào cải tạo ngọn đồi hoang. Không có đường đi, vợ chồng A Dê men theo từng bờ ruộng kế bên rồi tìm đường lên đồi, vác từng hòn đá, bao cát, ximăng từ dưới lên. Vừa làm, họ gọi thêm dân bản đến giúp.

Xung quanh toàn cây dương xỉ, họ phát quang thay thế bằng cây đào, cây quất, trồng cây xanh cải tạo cảnh quan. Không có nước, họ làm đường dẫn cách nhà tận 6km về tưới tắm cho ruộng đồng. 

Một năm sau, ngôi nhà sàn nhỏ xinh dần hiện lên trên ngọn đồi xanh mướt vui mừng đón những vị khách đầu tiên đến ghé thăm. Dần dần người nọ truyền tai nhau, giới thiệu bạn bè đến tham quan homestay xinh xắn của vợ chồng anh chủ người Mông.

Gắng sức gìn giữ

Để dựng xây được cơ ngơi như hiện nay, vợ chồng A Dê vay ngân hàng, vay gia đình, người thân, anh em, thậm chí chấp nhận... vay nặng lãi. A Dê nhớ mãi cái đêm vợ chồng bế theo con nhỏ chỉ mới mấy tháng tuổi đi vay mượn khắp nơi, chỉ trong một ngày phải xoay 50 triệu đồng trả cho bên vay nặng lãi.

"Lúc ấy có người hỏi mua homestay với giá cao, vất vả quá nên vợ bàn với mình: "Hay bán đi, từ bỏ đi". Nhưng mình xốc tinh thần vợ cùng đi tiếp, cùng gắng làm. Có những thời gian làm xong tầng trên, tầng dưới còn nguyên chưa làm gì hết, lại bỏ rồi lại làm", A Dê giãi bày.

Đến nay sau 3 năm, vợ chồng Giàng A Dê sở hữu ngôi nhà xinh xắn trên ngọn đồi đầy cỏ cây hoa lá. Anh chàng người Mông quả quyết so với trồng lúa, trồng ngô hay đi làm thuê cho người ta là hạnh phúc hơn nhiều. Đến nay, vợ chồng đã trả được khoản vay nặng lãi và mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm chỗ lưu trú cho khách.

Hay mình cũng làm? và Hello Mù Cang Chải xây trên đồi hoang - Ảnh 3.

Vợ chồng Giàng A Dê chụp hình với khách ở homestay “Hello Mù Cang Chải” - Ảnh: NAM TRẦN

Nhờ làm du lịch bài bản, A Dê vận động được bà con dân bản cùng làm du lịch, mở các tour trải nghiệm tìm về văn hóa bản làng người Mông thu hút du khách tìm đến. "Người Mông chúng mình thường không tin những gì người khác nói. Khi mình đã làm và kiếm ra tiền, nhìn thành quả họ mới tin mình", A Dê bày tỏ.

"Hello Mù Cang Chải" chủ yếu đón khách nước ngoài, tuy nhiên dịch COVID-19 bùng phát khiến việc kinh doanh gặp chút khó khăn.Vợ chồng A Dê quyết tâm biến khó khăn thành cơ hội, xin chuyển đổi mô hình homestay sang thành lập công ty với tên gọi Công ty TNHH thương mại và du lịch "Hello Mù Cang Chải". 

Mong muốn của "ông chủ" người Mông là liên kết các homestay tại Mù Cang Chải để quảng bá hình ảnh quê hương, văn hóa người Mông. Vợ chồng anh cho biết từ nay đến hết mùa lúa chín lúc nào cũng có đoàn khách đặt phòng.

Hiện nay vợ chồng Giàng A Dê còn mở thêm lớp dạy tiếng Anh miễn phí, mời tình nguyện viên nước ngoài đến dạy tiếng Anh và hướng dẫn kinh nghiệm làm du lịch cho bà con, thanh niên bản.

Cố gắng vì con cháu

"Suốt 3 năm qua, có lúc nào A Dê nghĩ đến việc từ bỏ?", tôi hỏi. Chàng trai người Mông thừa nhận cũng có lúc khó khăn đấy vì từ trước đến nay bố mẹ A Dê, người dân trong bản chưa một ai làm được, nhưng anh quyết "không bao giờ từ bỏ". Cũng bởi vợ chồng cải tạo, xây dựng cơ ngơi trên ngọn đồi hoang này không chỉ làm riêng cho bản thân mà còn gắng sức cho con, cho cháu mai sau.

"Ở quê hương mình, bao nhiêu người trình độ học vấn cao mà các bạn không có cơ hội phát triển bản thân. Dù mình không làm được nhiều việc, nhưng mình mong muốn tạo cơ hội cho các bạn được học, có thể kiếm ra tiền từ chính đôi tay của bản thân chứ không đi làm thuê mãi. Mình nghĩ mình đã quá khổ rồi, có vất vả bao nhiêu cũng cố gắng cho con cái sau này có cuộc sống tốt hơn", Giàng A Dê tâm niệm.

Sưu tầm sách khắp thế giới, mở thư viện phục vụ miễn phíSưu tầm sách khắp thế giới, mở thư viện phục vụ miễn phí

TTO - Thư viện mở cửa vào cuối tuần, miễn phí cho tất cả người dân đến đọc và mượn sách. Tại thư viện, có người chăm sóc, bảo quản sách và hướng dẫn người đọc lựa chọn sách phù hợp.

Nguồn bài viết