Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo các chuyên gia, đang có tình trạng các chủ dự án lợi dụng việc cho phép sử dụng 10% tổng diện tích đất sân golf xây dựng các công trình phục vụ hoạt động sân golf để xây khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng phục vụ mục đích kinh doanh trái phép.
Ồ ạt cấp phép sân golf
Theo Hiệp hội Du lịch golf VN, cả nước có 75 sân golf đã đi vào hoạt động, chưa kể hàng chục sân golf khác đang được đầu tư xây dựng. Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề buổi họp báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam ngày 5-4, ông Phạm Thành Trí - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf VN - cho biết thời gian gần đây, tính trung bình cứ hai tuần Việt Nam có thêm một sân golf được cấp phép. "Hai năm trước Việt Nam mới chỉ có 40 sân golf, nay đã lên tới 75 sân", ông Trí nói.
Tháng 4-2020, sau khi nghị định kinh doanh sân golf được ban hành với quy hoạch sân golf quốc gia bị bãi bỏ, nhiều địa phương đã đua nhau kiến nghị Chính phủ cho cấp phép đầu tư dự án sân golf.
Dự kiến trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm hàng trăm sân golf, khi mà nhiều địa phương tiếp tục trình làng thêm nhiều sân golf mới. Điển hình như tại Quảng Nam dự kiến cấp phép thêm 10 sân golf, Bắc Giang sẽ cấp phép thêm 7 sân golf, Vĩnh Phúc sẽ cấp phép thêm 10 sân golf...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đính, tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng tình trạng các địa phương ồ ạt xin cấp phép sân golf sau khi không còn quy hoạch sân golf cần được cảnh báo, rà soát lại, chỉ nên cấp phép cho những địa phương có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng đầu tư sân golf để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
"Đất đai có hạn, dự án sân golf luôn cần diện tích lớn nên không thể cấp phép ồ ạt, dành quỹ đất quá lớn nhưng không phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Đính khuyến cáo.
Một sân golf nằm trong dự án Tổ hợp khu du lịch thung lũng đại dương (Novaworld Phan Thiết) đang xây dựng ở xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Golf để phục vụ khách du lịch?
Thời gian qua số người chơi golf có xu hướng tăng theo đời sống đi lên, việc ra đời nhiều sân golf để đáp ứng nhu cầu cũng là bình thường.
"Chi phí du lịch, ăn uống, kết hợp chơi golf tại Việt Nam hiện nay khá rẻ nên lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf, đặc biệt là du khách Hàn Quốc, rất đông. Nếu thiếu sân golf, chắc chắn khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ giảm rất nhiều", một chuyên gia trong ngành nói.
Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam cho biết cả nước hiện có 100.000 người chơi golf, tần suất trung bình khoảng 20 trận/năm. Nhu cầu chơi golf trong nước khoảng 2 triệu lượt chơi/năm, chưa kể hàng triệu du khách đến chơi golf tại Việt Nam mỗi năm.
Theo ông Phạm Thành Trí, tiềm năng du lịch golf Việt Nam rất lớn, đặc biệt là trong những tháng mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau) có rất nhiều khách Hàn Quốc tới Việt Nam du lịch golf.
"Số liệu thống kê cho thấy mỗi năm có 1 triệu lượt khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam chơi golf. Ngoài du khách Hàn Quốc, khách du lịch Úc, Malaysia... cũng sang VN chơi golf. Thời điểm không có dịch covid, mỗi năm khách quốc tế đến Việt Nam chơi golf tăng khoảng 20%. Một trong những lý do là chi phí đánh golf tại VN, nếu không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ chơi golf, khá mềm so với một số quốc gia", ông Trí nói.
Ông Trần Quốc Phương, thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho rằng sân golf không phải cái gì đó xấu xa, nó chỉ xấu khi người ta lợi dụng cấp phép sân golf vì mục đích khác.
Việc bỏ quy hoạch sân golf phù hợp với định hướng của Luật quy hoạch. Về mặt thị trường khi cầu tăng, cung sẽ tăng và khi nào qua điểm bão hòa, chuyện thiếu thừa sân golf mới lộ diện.
"Đầu tư kinh doanh sân golf là đầu tư tư nhân, khi đủ điều kiện, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì không có lý do gì để địa phương không cấp phép. Vấn đề là khi cấp phép đầu tư sân golf, chính quyền địa phương cần có tầm nhìn, tính toán hiệu quả trong dài hạn", ông Phương nêu ý kiến.
Vấn đề là theo một số chuyên gia, việc kinh doanh sân golf không hiệu quả vì chi phí bảo dưỡng sân rất đắt tiền. Vậy tại sao vẫn cứ ra đời nhiều sân golf?
Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lợi dụng kinh doanh bất động sản
Việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf, theo quy định tại quyết định 1946 (năm 2009) của Thủ tướng, chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng. Ngoài ra, tỉ lệ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê tối đa không quá 10% trên tổng diện tích đất sân golf.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều dự án sân golf hiện nay đã sử dụng phần đất dịch vụ để phục vụ hoạt động tại sân golf (xây dựng nhà câu lạc bộ, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng) chiếm 10-15% diện tích sân golf, cá biệt có dự án lên tới 20%.
Theo TS Vũ Đình Ánh, chính quy định cho sử dụng 10% diện tích đất dịch vụ trong sân golf là kẽ hở trong cấp phép sân golf. "Cần quy định rõ diện tích đất xây dựng sân golf chỉ để làm sân golf. Còn khu vực đất dịch vụ phục vụ trong khu vực sân golf phải thực hiện nghĩa vụ tài chính như đất dịch vụ", ông Ánh đề xuất.
Còn GS Đặng Hùng Võ cho rằng thực tế cho thấy nhiều chủ dự án sân golf hiện nay thường sử dụng 10% quỹ đất dịch vụ sân golf cho việc xây khách sạn, biệt thự để bán, kinh doanh và cho thuê không đúng quy định pháp luật.
Do đó, theo ông Võ, cần đánh thuế, thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất trên theo dạng đất dịch vụ xây khách sạn, xây biệt thự để bán, cho thuê để tránh thất thu ngân sách.
Ở góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết theo Luật đất đai, đất xây dựng sân golf gồm hai phần: đất dịch vụ trồng cây xanh và đất dịch vụ xây dựng các công trình tiện ích khác như nhà hàng, khu vui chơi giải chí, khu vực khách sạn nghỉ dưỡng.
Khi đầu tư sân golf, các chủ dự án thường tính tới tổng thể là một quần thể du lịch nghỉ dưỡng có sân golf. "Việc một số địa phương để chủ dự án sân golf lợi dụng việc đầu tư sân golf, tận dụng quỹ đất dịch vụ để xây khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng để bán, cho thuê... thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền các địa phương", ông Châu nhấn mạnh.
Theo tỉnh Gia Lai, những cây thông nơi dự án sân golf Đắk Đoa dự kiến xây dựng sẽ được di dời đến nơi khác để trồng lại. Nhiều người đã chọn rừng thông và đồi cỏ hồng để chụp ảnh cưới - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
* Ông Lê Đình Thơm (cục phó Cục Kiểm lâm):
Không chuyển đất rừng tự nhiên làm kinh tế
Đối với các dự án có sử dụng đất rừng, trong đó có dự án đầu tư sân golf, Cục Kiểm lâm luôn kiến nghị địa phương không chuyển diện tích rừng tự nhiên để làm kinh tế. Riêng diện tích rừng trồng phải chuyển đổi, với dự án cấp thiết, địa phương sẽ chuyển đổi bình thường.
Thế nhưng các dự án có nhiều nguy cơ với môi trường, chúng tôi cũng yêu cầu hạn chế chuyển đổi. Trường hợp phải chuyển đổi, buộc phải có biện pháp giữ lại cây, bố trí không gian trồng rừng thay thế.
* Ông Trịnh Lê Nguyên (giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên):
Lo "hô biến" rừng tự nhiên thành rừng sản xuất
Việc cho chuyển đổi đất rừng sản xuất thành sân golf không gây ra nhiều lo ngại. Thế nhưng vấn đề đáng quan tâm là hiện tượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng lòng vòng.
Khi chuyển đổi rừng sản xuất sang làm sân golf dễ dàng, nhiều địa phương sẽ chuyển đổi các loại hình rừng khác thành rừng sản xuất, rồi chuyển đổi diện tích rừng này thành bất động sản sân golf.
Ngay trong diện tích rừng sản xuất hiện nay, vẫn có một phần là rừng tự nhiên, vì thế cần lưu ý khi chuyển hàng trăm hecta rừng sản xuất thành sân golf.
Chẳng hạn, một phần diện tích rừng khu vực Đắk Đoa từng là rừng phòng hộ, giờ đã thành rừng sản xuất. Vì vậy, cần xem lại thời điểm chuyển đổi rừng phòng hộ khu vực Đắk Đoa thành rừng sản xuất diễn ra như thế nào.
Không mất rừng khi làm sân golf Đắk Đoa (?)
Sân golf Đắk Đoa 36 lỗ với diện tích 174,01ha được thông qua chủ trương đầu tư theo đề xuất của tỉnh Gia Lai. Nhiều ý kiến cho rằng có đến 155,93ha rừng sẽ phải nhường chỗ cho sân golf Đắk Đoa, chưa kể danh thắng đồi cỏ hồng đẹp như tranh cũng sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hoan - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai - cho rằng tỉnh sẽ không mất rừng như dư luận quan tâm. Bởi tỉnh sẽ cho di dời những cây thông đi nơi khác để trồng lại và nhà đầu tư cũng phải trả tiền để trồng rừng thay thế tương đương với diện tích thực hiện dự án.
H.C.ĐÔNG
Nhiều sân golf quy hoạch rồi để đó
Một góc khu du lịch Suối Cam, thành phố Đồng Xoài - nơi dự kiến xây dựng sân golf nhưng vẫn đang “giậm chân tại chỗ” - Ảnh: N.N.
Như tại Bình Phước, ngay từ năm 2019 Tập đoàn FLC xin quy hoạch "quần thể" sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái kết hợp nông nghiệp công nghệ cao có diện tích lên tới 986ha tại khu vực trung tâm của thành phố Đồng Xoài. Riêng dự án sân golf do FLC đề xuất sẽ có vị trí tại khu du lịch hồ Suối Cam (thành phố Đồng Xoài), một trong những địa điểm đẹp nhất tại Bình Phước.
Trước đó, từ năm 2017, một sân golf 18 lỗ với diện tích sử dụng đất tới 350ha cũng được đề xuất xây dựng gần hồ Thác Mơ (thị xã Phước Long). Một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước cho biết cả hai dự án quy hoạch sân golf này đã ngừng do phương án lập quy hoạch của nhà đầu tư không phù hợp hoặc không kêu gọi được nhà đầu tư.
Tại Tây Ninh, hai dự án sân golf từng được quy hoạch là sân golf Hữu Nghị Việt Nam - Campuchia (gần Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu) và sân golf tại khu liên hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (huyện Trảng Bàng) đều không khả thi. Trong đó, dự án sân golf tại Trảng Bàng với diện tích được quy hoạch lên tới 184ha đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf thành đất công nghiệp.
Với dự án sân golf Hữu Nghị Việt Nam - Campuchia, tỉnh Tây Ninh đã xin điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ cũng đã chấp thuận cho địa phương này tiếp tục thực hiện dự án theo hướng xây dựng một sân golf riêng biệt trên lãnh thổ VN. Thế nhưng tới nay dự án sân golf này vẫn chưa thể triển khai.
Dự kiến trong thời gian tới, Tây Ninh sẽ quy hoạch một sân golf khác tại quần thể khu du lịch Núi Bà Đen, gắn với việc thu hút đầu tư vào khu du lịch.
Trừ Bình Dương đang có 4 sân golf đã đưa vào hoạt động, nhiều tỉnh thành cũng xin làm sân golf theo đề xuất của nhà đầu tư nhưng không ít dự án vẫn nằm trên giấy do không khả thi.
B.SƠN - T.ANH - NH.NGUYÊN
Long An sẽ có thêm nhiều sân golf
Ông Nguyễn Anh Dũng - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Long An - cho biết địa phương này chỉ mới có một sân golf đi vào hoạt động tại huyện Đức Hòa với diện tích 120,33ha (27 lỗ theo quy hoạch), hoạt động từ năm 2018 (18 lỗ).
Tại Long An cũng còn một dự án sân golf đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt chủ trương, cho thuê đất với diện tích 200ha tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ. Dự án này được giao đất từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Ông Lê Phong Đăng Khoa - đại diện Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An, chủ đầu tư dự án sân golf này - cho biết lý do là công tác giải phóng mặt bằng đường vào dự án này vẫn chưa xong.
Một nhà đầu tư khác cũng đang khảo sát, xem xét việc xin chủ trương để làm sân golf tại huyện Cần Đước.
SƠN LÂM
Bình Thuận với sân golf trải dài ven biển
Theo một lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận, ngoài sân golf đang hoạt động tại khu du lịch Sealinks Phan Thiết (phường Phú Hài), hai sân golf (18 lỗ) trong đại dự án Novaworld Phan Thiết đang được xây dựng. Trong đó, một sân golf dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 4. Sân còn lại dự kiến được đưa vào sử dụng trong quý 3.
Ngoài ra Bình Thuận dự kiến còn có thêm khoảng năm sân golf khác, đều nằm trong các dự án gắn liền với du lịch, bất động sản, nghỉ dưỡng... dọc theo bờ biển của địa phương. Trong đó, TP Phan Thiết dự kiến sẽ có thêm hai sân golf nhưng chưa biết đến bao giờ mới được triển khai.
ĐỨC TRONG
Đà Nẵng thu hút nhiều golf thủ quốc tế
Tại Đà Nẵng có hai sân golf đã đưa vào hoạt động là sân golf BRG DaNang Golf Resort và sân golf Ba Na Hills Golf Club đều có tỉ lệ sử dụng cao, mùa hè và mùa cao điểm du lịch đều kín lịch.
Theo một lãnh đạo Hội Golf Đà Nẵng, hai sân golf nằm gần biển, chân núi Bà Nà đều "sống" tốt trong những năm qua do thu hút nhiều du khách và golf thủ quốc tế đến chơi.
V.HÙNG