Chị Bình (phải) và chị Tuyết giải cứu một chú sóc nhỏ ở Sơn Trà thoát khỏi bẫy - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Chị là Nguyễn An Bình (48 tuổi) và Cao Thị Kim Tuyết (36 tuổi) với trái tim ấm áp và tràn đầy yêu thương dành cho động vật hoang dã Sơn trà.
Alo là có mặt
Trời chập choạng tối, đường dây nóng của nhóm cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Sơn Trà nhận được cuộc gọi của một đôi vợ chồng, vẻ gấp gáp. Cuộc gọi báo tin họ bắt gặp một chú khỉ đuôi lợn bị thương nặng.
Trong khi bối rối chưa biết xử trí thế nào họ nhớ ra đã từng đọc được dòng tin trên facebook về nhóm cứu hộ động vật hoang dã nên đã liên hệ.
Nhận thông tin, chị Bình và chị Tuyết bỏ vội những đồ sơ cứu vết thương vào ba lô và tức tốc lên đường. Đến nơi trời đã tối mịt. Sau một hồi tìm kiếm, hai chị đành quay về rồi tiếp tục tìm kiếm vào ngày hôm sau. Rất may đã tìm ra chú khỉ bị thương.
Cùng với sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, nhóm đã sơ cứu và đưa được chú khỉ về bệnh viện thú y để cứu chữa.
Vì phải mất đến hai ngày mới tìm ra được chú khỉ với vẻ ngoài lầm lì ấy nên hai chị lấy tên cu Lỳ đặt cho chú khỉ. Cu Lỳ bị thương rất nặng, gãy xương bả vai và xương hàm bên phải, phần xương hàm bị gãy đâm thủng một bên má. Vết thương lâu ngày đã hoại tử nên nhìn vào ai cũng không khỏi xót xa.
"Lúc chúng tôi tìm thấy em, một vòng lông quanh cổ đã trụi trơ chứng tỏ em bị xích trói trong một thời gian dài. Có thể sau thời gian nuôi nhốt, chủ nhân đã chán nên thả em đi", chị Bình xót xa nói.
Khi được thả vào rừng Sơn Trà cu Lỳ đã mất hết bản năng tự nhiên. Nó không thể tự kiếm ăn, leo trèo và không thể hòa nhập được với đàn khỉ vàng ở Sơn Trà.
Suốt gần 1 tháng trời điều trị, sức khỏe cu Lỳ dần ổn định. Chị Bình và chị Tuyết bắt đầu hành trình tập cho Lỳ thích nghi với môi trường tự nhiên và theo sát chăm sóc sức khỏe suốt thời gian dài sau đó.
Khi bản năng trở lại và sức khỏe hồi phục hoàn toàn, cu Lỳ được lực lược kiểm lâm đưa về đúng khu rừng nơi nó vốn thuộc về.
Một chú khỉ bị thương được nhóm kịp thời đưa đến bệnh viện thú y chữa trị - Ảnh: NV
Chị Trần Trâm, 39 tuổi, người báo tin gặp cu Lỳ ở Sơn Trà, cho biết chị rất bất ngờ khi vừa nhận được cuộc gọi là nhóm đã lên đường ngay dù đó vốn không phải là trách nhiệm của họ.
"Sau này theo dõi nhóm thường xuyên, chính họ đã thay đổi suy nghĩ của tôi rằng không riêng ai là người có trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ những con vật nơi đây, mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ chúng, bảo vệ Sơn Trà của chúng ta. Hành động của họ thật đẹp và đáng ngưỡng mộ"- chị Trâm chia sẻ.
Không chỉ cu Lỳ, nhóm còn tiếp nhận nhiều chú khỉ bị thương điều trị và trả về rừng, mỗi cái tên như bé Mưa, cu Tôm, bé Bầu, bé Tôn… khi nhắc lại đều khiến chị Bình và chị Tuyết rưng rưng cảm xúc.
Không chỉ cứu khỉ, hai chị còn tiếp nhận rắn, trăn, sóc, cú mèo, kỳ đà, vọoc… Khi là những động vật bị thương, hay đi lạc từ Sơn Trà vào khu dân cư. Khi là người dân báo tin có người nuôi nhốt động vật hoang dã. Và không ít lần nhóm đã đưa những con thú quý hiếm thoát khỏi… bàn nhậu.
Lần theo dấu bẫy
Cùng hai chị đi sâu vào Sơn Trà một ngày giữa mùa hè, ở những con đường được phép đi qua, chúng tôi bước từng bước thận trọng theo sau. Có những đoạn chỉ đi vài bước, chiếc gậy trên tay chị Tuyết lại dò trúng dấu bẫy để lại, có khi là trúng bẫy mới, và không ít lần gặp những con thú nhỏ vẫy vùng trong những chiếc bẫy tử thần.
Chị Tuyết nói lực lượng kiểm lâm và Ban quản lý bán đảo Sơn Trà đã tổ chức nhiều đợt tuần tra và tháo gỡ bẫy nhưng ở Sơn Trà vẫn còn nhiều bẫy thú nằm vô tội vạ dưới những tán rừng xanh kia.
Thế là hai chị trang bị cho mình kiến thức về cách tháo gỡ các loại bẫy đơn giản, giữ an toàn ra sao… và lên đường dò tìm những chiếc bẫy lúc có thời gian rảnh.
"Bẫy nhỏ, bọn mình phá được và thu về nộp cho kiểm lâm, bẫy nguy hiểm thì nhóm sẽ đánh dấu địa điểm và báo cáo cho kiểm lâm xử lý" - chị Tuyết cho biết.
Thành viên nhóm cùng lực lượng kiểm lâm tái trả trăn gấm được người dân phát hiện trong khu dân cư về rừng Sơn Trà - Ảnh: NV
Cứ thế hai thành viên nữ cốt cán của nhóm Cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Sơn Trà đã âm thầm suốt nhiều năm qua góp sức cùng với lực lượng chức năng bảo vệ động vật hoang dã ở Sơn Trà, tuyên truyền cho người dân và du khách không cho khỉ ăn để không làm mất bản năng sinh tồn của loài khỉ.
Chị Bình nhớ lại cơ duyên chị đến với công việc này cũng thật tình cờ. Trong những lần lang thang Sơn Trà chụp ảnh, ống kính của chị vô tình ghi lại hình ảnh nhói lòng của những chú khỉ bị thương. Chị quyết định sơ cứu cho chúng rồi đưa về bệnh viện thú y điều trị.
Từ những lần bén duyên với khỉ, chị nhận ra mình yêu những con vật nhỏ bé nơi núi rừng Sơn Trà - quê hương thứ hai của mình.
Cho đến hơn 1 năm trước, chị Bình gặp chị Tuyết cũng là một người "lang thang Sơn Trà". Chung niềm yêu quý động vật hoang dã và mong muốn bảo vệ sự bình yên cho lá phổi xanh của thành phố, hai chị cùng nhau kết nối, làm công việc mà nhiều người dè chừng.
Cả hai đều là nhân viên văn phòng, nhưng khi nhận tin đâu đó có động vật bị thương, nhà nào nuôi nhốt thú, là lại gác công việc lên đường. Những ngày lễ tết, hay giữa đêm đang ngủ, hễ nhận cuộc gọi, tin báo nhóm vẫn đi ngay.
Hai chị bảo động vật cũng như con người, lỡ chậm chân sẽ không cứu được.
Ban đầu, hành trang của hai chị và các thành viên trong nhóm chỉ là tình thương với động vật hoang dã, những kiến thức nền tìm hiểu trên mạng, trong sách báo. Sau này, hai chị tìm đến những chuyên gia nước ngoài để học hỏi thêm kiến thức, từ đó thực hiện công việc cứu chữa động vật hoang dã tốt hơn.
Khó khăn lớn nhất là việc theo dõi một con khỉ bị thương, có khi phải theo cả tuần. Chắc chắn được tình trạng của nó mới liên hệ với cơ quan chức năng để cùng giải quyết. Nhiều người khuyên thân gái đừng lo chuyện bao đồng, nhưng hai chị bảo mình làm việc đúng và tự bảo vệ bản thân mình trước nên không ngại chi.
Một ngày lần theo dấu bẫy ở Sơn Trà - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Cứ như thế, đường dây nóng của nhóm vài hôm lại nhận được cuộc gọi. Sau mỗi chuyến giải cứu, hình ảnh hai chị ghi lại về những con vật bị dính bẫy, bị thương và thông điệp bảo vệ động vật hoang dã vẫn được truyền đi hằng ngày trên mạng xã hội những mong thay đổi được phần nào ý thức của người dân.
Hai chị tâm niệm việc họ làm là nhỏ bé nhưng mỗi người góp một chút sẽ thay đổi được ý thức của người dân. Những con vật ở Sơn Trà góp phần tạo nên hệ sinh thái hoàn hảo cho người dân Đà Nẵng, vậy nên mỗi người hãy cùng nhàu nối vòng tay lại bảo vệ bán đảo Sơn Trà một cách tốt nhất có thể.
Chị Dương Thị Xuân Liễu, trưởng phòng Quản lý và khai thác du lịch Sơn Trà, cho biết những năm gần đây nhóm Cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Sơn Trà - Đà Nẵng đã có sự phối hợp rất nhịp nhàng với Ban quản lý và các cơ quan chức năng liên quan.
Nhóm đã hỗ trợ việc tuyên truyền cho du khách hạn chế các hành vi tác động xấu đến động vật và tài nguyên rừng khi tham quan bán đảo Sơn Trà; cung cấp các thông tin về trường hợp gặp nạn của động vật hoang dã, hành vi bẫy bắt động vật tại bán đảo sơn Trà; phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chức năng liên quan giải cứu hoặc tái thả các cá thể động vật về rừng.