Hai nàng Hà Giang - Hương Giang và khát vọng về một cộng đồng kết nối

3 năm trước 303
Hai nàng Hà Giang - Hương Giang và khát vọng về một cộng đồng kết nối - Ảnh 1.

Một cộng đồng kết nối là khao khát của đôi chị em Hà Giang (trái) và Hương Giang - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Mosia - nền tảng được đôi song sinh Hà Giang và Hương Giang (24 tuổi, quận 4, TP.HCM) trút hết vốn liếng, dốc tâm sức và kinh nghiệm tích lũy từ sách vở, cuộc sống để khao khát tạo ra một cộng đồng kết nối - đang nhận được lượng phản hồi tích cực của các bạn trẻ.

Đọc sách và khởi nghiệp

Hà Giang, Hương Giang học giỏi, thành thạo tiếng Anh. Khi đang là sinh viên năm nhất, hai bạn có một niềm yêu thích là cùng nhau tìm đến các thư viện ở TP.HCM. Một quy tắc ngầm được cả hai đặt ra cho nhau: phải đọc hết trên 20 quyển sách tâm lý, kinh tế... trong mỗi tháng.

Rồi cả hai tập khởi nghiệp, khởi đầu là bán hàng, tìm hiểu và tham gia các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhiều dự án thất bại, nhưng cũng có không ít ý tưởng được chọn đi tham dự các cuộc thi lớn hơn ở Columbia, Philippines, Singapore, Thái Lan...

Hai chị em Giang tìm ra cái riêng cho mình - đó là Mosia. Đây là một nền tảng công nghệ hoạt động dưới dạng trang web (có cả trên nền tảng mạng xã hội Facebook). Mosia cho phép người dùng chia sẻ các bài viết về mọi vấn đề, lĩnh vực của đời sống mà mình am hiểu lên trang để thu hút người đọc, thảo luận cũng như chia sẻ ngược lại. Ngoài ra, Mosia còn tổ chức thêm nhiều dự án tư vấn cho giới trẻ - tiêu biểu như The story of life.

"Ban đầu chỉ tìm đọc các bài viết trên trang web để dung nạp thêm kiến thức, rồi một đợt mình gặp ít biến cố, suy sụp lắm nhưng khi được tâm sự cùng Mosia, được nghe tư vấn, khuyên can đã giúp mình vực dậy được bản thân" - Hồng Nga (20 tuổi, Q.7, TP.HCM), người thường xuyên dùng Mosia, tâm sự.

Kết nối

Dưới vai trò tư vấn viên của Mosia, hai chị em Giang nhận thấy hiện có đến hàng ngàn học sinh, sinh viên trong và ngoài nước lên trang tâm sự, giãi bày việc họ đang không có hoặc không biết mục đích học tập, động lực và mục tiêu sống.

Hương Giang kể cô từng dưới vai trò như một mentor (cố vấn) của Mosia, lắng nghe tâm sự của một bạn học sinh lớp 11 đang suy sụp tâm lý, có ý định tự sát vì bố mẹ ly hôn. Hay với câu chuyện một bạn sinh viên mất hết mục đích sống khi phải liên tục sống trong áp lực của bạo lực gia đình mà Hà Giang nhận tư vấn.

Chính những trường hợp đau thương ấy đã thôi thúc hai chị em Giang đau đáu mơ về một cộng đồng được kết nối với nhau bởi nhiều người, nhiều chuyên gia và ở nhiều lĩnh vực trên chính nền tảng của Mosia. 

"Nếu lượng mentor hay expert (chuyên gia) của Mosia đông hơn thì có thể đã kịp thời lắng nghe tâm sự, chia sẻ hay đưa ra lời khuyên bổ ích hơn, từ đó việc bạn học sinh ấy tìm đến cái chết chắc đã không diễn ra" - Hương Giang nói.

Sau gần một năm hoạt động, Mosia đã thu hút gần 30.000 lượt người truy cập, chia sẻ và thảo luận. Trên nền tảng mạng xã hội Facebook, dự án "The story of life" cũng đã thu hút hơn 40.000 lượt yêu thích, theo dõi. Người dùng Mosia hiện là các bạn trẻ từ 14 đến trên dưới 25 tuổi. Hà Giang nói dự tính sẽ ra mắt app (ứng dụng) Mosia trên cả hai hệ điều hành IOS và Android thịnh hành hiện tại.

"Hiện tại chúng mình cũng đang hoàn thiện các bước có thể tham gia một số vòng gọi vốn" - Hà Giang hào hứng nói.

Kết nối nguồn chất xám người Việt ở nước ngoàiKết nối nguồn chất xám người Việt ở nước ngoài

TTO - Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, mỗi năm có khoảng 200 nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về nước giảng dạy, phát triển đề tài, dự án, chuyển giao công nghệ, là nguồn chất xám đáng kể và quý báu của đất nước.

Nguồn bài viết