Chị Nguyễn Thu Hồng gọi vốn được triệu đô nhờ mê chả cá - Ảnh: C.K.
Nguyễn Thu Hồng từng đoạt giải nữ sáng lập tại cuộc thi Bánh xe khởi nghiệp toàn quốc do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) thuộc Thành đoàn TP.HCM tổ chức năm 2016.
Từ đó chị Hồng đã được nhiều doanh nhân đi trước muốn cùng hợp tác, trong đó phải nói đến việc Thu Hồng thuyết phục được một nhà đầu tư chịu bỏ 1 triệu USD cùng đồng hành với mong muốn được mang món ăn an lành từ biển phục vụ cộng đồng người Việt.
Tác giả của chả cá thanh long, rau củ
Là nhà khoa học khởi nghiệp nên Thu Hồng cũng va vấp nhiều khó khăn, nhưng máu nghiên cứu, sáng tạo luôn chảy tràn trong huyết quản của nữ khoa học trẻ này.
Ngay khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam, trong đó hình ảnh nông dân phải đổ bỏ trái thanh long khiến chị luôn đau đáu. Rồi lúc đấy, một thương hiệu bánh cho ra đời bánh mì thanh long, Thu Hồng bắt đầu nghiên cứu xem có cách nào để chả cá kết hợp được với trái thanh long ruột đỏ hay với những hàng nông sản khác.
Chả cá và thanh long, hai món ăn tưởng chừng không có bất kỳ mối liên quan nào nhưng lại tạo ra sự kết hợp đem đến bất ngờ thú vị, khi mà Thu Hồng đã chinh phục được quy trình làm ra món chả cá ngon, giòn và có màu đỏ của thanh long.
"Với nhiều người, thanh long hợp với tinh bột, có thể làm bánh mì, pizza, bún phở, nhưng chả cá mà đi với thanh long là điều vô lý. Cá tanh như thế đi với loại trái cây mọng nước đúng là phản khoa học. Tuy nhiên, thực tế chả cá kết hợp với thanh long là một sự kết hợp tuyệt vời, tạo ra một sản phẩm thực sự rất khác biệt" - Hồng bộc bạch.
Rồi Hồng tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời món chả cá bí đỏ, chả cá hoa đậu biếc và các loại rau củ khác... Điều quan trọng là những nghiên cứu mà Hồng được học từ Nhật Bản trong quy trình làm món chả cá sạch, không hàn the tạo dai đã được cô đưa vào làm giá trị của các loài cá biển Việt Nam được nâng tầm hơn nữa.
Hồng cho hay: "Mình phải có nghiên cứu để sáng tạo các sản phẩm mà thị trường chưa có, để mỗi sản phẩm là một thương hiệu quốc gia. Và mình mong muốn mọi người được dùng thực phẩm sạch, an lành, tốt cho sức khỏe".
Trong đợt cao điểm bùng dịch bệnh COVID-19 giữa năm 2020, Hồng và anh em trong công ty đã nghiên cứu món bánh bông lan chả cá đủ đầy dinh dưỡng để tặng đến đội ngũ y bác sĩ và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Làm chủ công nghệ chả cá Nhật Bản
Khoảng năm 2013, khi trở về từ Nhật, Hồng vừa đi làm ở Viện Hải dương học (Nha Trang) vừa đêm đêm nghiên cứu, làm ra loại chả cá theo công nghệ Nhật Bản.
Có lần phải nhập viện vì kiệt sức và cuối cùng nhà khoa học trẻ đã bắt tay khởi nghiệp với Công ty cổ phần Thực phẩm Cam Ranh (CARAFOODS) mà hầu như ai cũng thường quen thuộc với thương hiệu chả cá Hồng, nghe gần gũi, nhẹ nhàng như chính tính cách của cô nàng.
Lúc còn học ở Nhật, mỗi chuyến về nước rồi trở lại Nhật để tiếp tục nghiên cứu, trong vali của Hồng luôn có 30 - 40kg chả cá mang sang bán cho người Nhật lấy tiền ăn học. Quan trọng hơn không chỉ là cách "làm thêm" của Hồng, mà đó chính là sự đón nhận của khách hàng là người Nhật, rất kỹ tính trong chọn thực phẩm ăn uống.
Sau khi nắm bắt được phương pháp nghiên cứu, Hồng tiếp tục xin giáo sư cho phép thực tập tại công ty chả cá lớn của Nhật - nơi ông làm chuyên gia.
Hồng nhớ lại: "Lúc đó tôi được gặp tổng giám đốc (CEO) của công ty, cho phép tôi ở lại thực tập hai tuần và đã dạy tất cả những gì họ có. Tôi nhớ hoài lời vị CEO nói nếu muốn phát triển kinh doanh chả cá ở Việt Nam, trước hết tôi phải là chuyên gia trong lĩnh vực này, sau đó tôi phải mời được một nhà đầu tư, một CEO Việt Nam thích lĩnh vực này qua đây, có vậy con đường của tôi sẽ ngắn hơn".
Sau thời gian vật lộn, Hồng đã tiếp cận được nhà đầu tư tầm cỡ có cùng nhiệt huyết vì cộng đồng, đã cùng cô qua Nhật gặp gỡ vị giáo sư và vị CEO để hợp tác phát triển chả cá tại Việt Nam.
Làm nhà khoa học khởi nghiệp, có nhiều kỹ năng quản trị trong kinh doanh cũng là thách thức với Hồng, nhưng ngược lại chị cũng có được không ít thuận lợi khi nắm vững công nghệ, giữ được đức tính trung thực của nhà nghiên cứu khi bước vào con đường kinh doanh. Do đó, chiến lược kinh doanh của chị là luôn tuân thủ nguyên tắc đạo đức đặt lên hàng đầu.
Để giúp các bạn trẻ khởi nghiệp, năm 2018 CLB Khởi nghiệp Khánh Hòa được chị Nguyễn Thu Hồng và một số bạn trẻ thành lập.
Đến nay CLB đã tổ chức gần 40 sự kiện miễn phí về khởi nghiệp cho các bạn trẻ trong tỉnh và cả nước, hỗ trợ nhau về truyền thông... tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững tương trợ nhau với thông điệp "Đi với nhau để phát triển bền vững", trở thành những công dân toàn cầu tích cực.
Thành công nhất trong hành trình khởi nghiệp của tôi không phải là việc nhà máy được hình thành, gọi vốn thành công triệu đô. Mà thành công lớn nhất của tôi đó là biết cách sống hạnh phúc với thực tại, biết cách tu sửa bản thân để quay về với chính mình, hiểu rõ quy luật vận hành vũ trụ và nhân sinh.
Từ đó biết cách tạo nên những sự sung túc xung quanh mình từ gia đình, công ty và cộng đồng của mình tạo lập mà không phải đánh đổi điều gì cả.
Nguyễn Thu Hồng chia sẻ
Không kiếm tiền bằng mọi giá
Món chả cá thanh long và chả cá rau củ do Nguyễn Thu Hồng nghiên cứu làm ra - Ảnh: C.K.
Khi học ở Nhật, Hồng đã cùng các du học sinh lập nhóm dạy nấu ăn cho người Nhật để có kinh phí duy trì hoạt động tặng học bổng cho các học sinh khó khăn tại Việt Nam. Chương trình này đến nay Hồng vẫn đồng hành và duy trì, nhiều em học sinh nhờ vậy đã không dang dở việc học, có em vào đại học, ra trường đi làm...