Gần 10.000 ha cây trồng tại thủ phủ cà phê của Lâm Đồng thiếu nước

1 tuần trước 4
Chú thích ảnhTrồng cà phê ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Theo đó, trên địa bàn huyện Di Linh hiện có khoảng 9.333 ha cây trồng bị thiếu nước; trong đó chủ yếu là cây cà phê, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, năng suất, chất lượng. Diện tích này chủ yếu tập trung tại các xã Tam Bố, Gia Hiệp, Đinh Lạc, Gia Bắc, Sơn Điền... Đặc biệt, tại một số địa phương có hiện tượng cà phê bị héo, cháy, rụng lá do nắng nóng với tổng diện tích khoảng 660 ha. Trong thời gian tới nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ có khoảng 55 ha lúa tại địa bàn xã Gung Ré bị thiệt hại hoàn toàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Di Linh là địa phương có lượng mưa trung bình nhiều năm thấp so với bình quân toàn tỉnh. Trong thời gian qua, một số địa phương như xã Tam Bố, Gia Hiệp, Đinh Lạc, Gung Ré, Gia Bắc, Sơn Điền hầu như chưa có mưa nên tình trạng hạn hán, thiếu nước càng trầm trọng. Huyện Di Linh hiện có 57 công trình thủy lợi; trong đó bao gồm 39 hồ chứa, 18 đập dâng, đập tạm. Hiện tại có 12 hồ chứa, đập dâng đã xuống dưới mực nước chết, một số hồ chứa đã khô cạn trơ đáy.

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác Thủy lợi tỉnh thực hiện điều tiết nước từ hồ Ka La (xã Bảo Thuận, Di Linh) để cấp nước bổ sung cho một số hồ chứa phía hạ lưu, chống hạn cho khoảng 500 ha cà phê thuộc một số xã trên địa bàn huyện.

Đồng thời, huyện Di Linh cũng kiến nghị tỉnh Lâm Đồng xem xét bố trí kinh phí 25 tỷ đồng để triển khai nạo vét một số hồ chứa phục vụ chống hạn trước mắt và lâu dài. Riêng 4 hồ chứa thuộc xã Gia Bắc, địa phương sẽ sử dụng kinh phí từ ngân sách huyện để nạo vét lòng hồ kịp thời phục vụ chống hạn.

Trước đó, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, do tình trạng hạn hán kéo dài, hơn 2.100 ha cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng bình thường; trong đó, phần lớn diện tích cây trồng trên thuộc các khu vực không có công trình thuỷ lợi, xa sông suối tự nhiên, khan hiếm nguồn nước ngầm như huyện Lâm Hà với hơn 1.500 ha; tiếp đến là huyện Đạ Tẻh với 380 ha, huyện Cát Tiên 95 ha, huyện Bảo Lâm 35 ha...

Nguồn bài viết