Bà ngoại phụ xếp chút đồ để Khá lên thành phố, theo đuổi ước mơ đời mình - Ảnh: C.CÔNG
Đó là tất cả những gì mà bà ngoại nghèo khó Nguyễn Thị Lệ có thể làm được cho Bùi Nguyễn Hoài Khá ở ấp Hòa Sơn, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).
Và Khá vin vào đấy như một niềm tin, động lực để đặt những bước chân đầu tiên vào giảng đường Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho hành trình thực hiện ước mơ.
Cọng lục bình ấm áp
Nhà của Khá được cất cặp bên nhà bà ngoại. Căn nhà nhỏ mà nhờ người góp tiền, người góp tôn, góp cây... cất lên cho Khá có chỗ trú mưa nắng. Chị Khá đã nghỉ học hồi lớp 10. Khá ngoan, học giỏi nên ngoại luôn động viên cố mà học.
Nhà cũng không có ruộng vườn gì nên nhiều năm qua ông Bùi Văn Khải và bà Nguyễn Thị Hồng Thu (cha mẹ Khá) phải lên Bình Dương làm công nhân. Cha Khá bị xơ gan và thận mãn tính nên sức khỏe cũng giảm dần.
Gánh nặng gia đình phần lớn đổ lên đôi vai gầy yếu của mẹ Khá. Nhưng sức khỏe bà Thu cũng không khá hơn là mấy, hay bệnh vặt nên có khi mỗi tuần cũng chỉ làm được vài ba ngày.
Hôm hay tin Khá đậu chuyên ngành quản trị nhà hàng - khách sạn, cha mẹ và ngoại vui nhiều nhưng âu lo cũng không ít. Ở Bình Dương, mẹ cố gắng tăng ca, làm thêm giờ.
Ở quê, dù người vẫn nhức mỏi suốt nhưng bà Lệ vẫn quen giấc 4h sáng mỗi ngày bơi xuồng đi cắt lục bình ở sông Cái Bé, mặc cái lạnh sương sớm.
Nếu khỏe, cắt được mỗi ngày chừng 100kg, bán hết kiếm được cỡ 30.000 đồng mà vất vả lắm. Nhưng vẫn cố bởi thêm một ký, đứa cháu ngoại lại có thêm chút tiền đi Sài Gòn học.
"Quen rồi nên có cực chút cũng không sao đâu. Tui cũng để dành được ít trăm ngàn, hổng nhiều nhưng cũng cho thằng Khá đi xe, uống nước dọc đường. Nhà có hai bà cháu, giờ nó đi học xa tui cũng nhớ lắm, nó cố mà học, rảnh gọi về cho ngoại", bà Lệ nói, mắt rưng rưng.
Được như hôm nay cũng nhờ nhiều nhà hảo tâm, thầy cô giúp đỡ nên mai này thành công, mình sẽ góp chút sức nhỏ giúp các em học sinh nghèo có thêm điều kiện đến trường.
BÙI NGUYỄN HOÀI KHÁ
Bắt ốc đêm, giăng lưới phụ ngoại
Những ngày chưa nhập học, Khá tranh thủ bắt ốc, giăng lưới kiếm thêm phụ ngoại. Tay lưới cũ mèm, nhiều chỗ rách là ngư cụ duy nhất của Khá.
"Sau những cơn mưa, ruộng nước đã lé đé mé bờ, mình đi giăng cũng kiếm được vài kg cá rô, cá sặc. Để lại ít ăn, còn lại đem bán 20.000 - 30.000 đồng/kg, cũng có được ít trăm dằn túi", Khá cười tươi.
Phải xa cha mẹ, cảm nhận sự lo lắng, yêu thương ngoại, Khá chưa bao giờ cho phép mình chểnh mảng chuyện học và rèn cho mình tính tự lập. Nên ngay khi biết mình đậu đại học, bạn cũng ra ruộng nhiều hơn. Ngày sẽ đi giăng lưới bắt cá, cắt và đan lục bình. Đêm sẽ soi đèn bơi xuồng "săn" ốc bươu ngoài đồng.
Khá nói đậu đại học mừng chứ, và càng biết rõ con đường phía trước sẽ rất dài khi gia cảnh quá khó khăn, cha mẹ làm công nhân lương bấp bênh. "Nhưng mình sẽ nỗ lực hết sức và không cho phép mình bỏ cuộc", Khá nói.
Đó không chỉ là quyết tâm của riêng Khá. Ấy là cả kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô và đặc biệt là ngoại.
Ngôi nhà tứ bề vách tôn, ngày nắng nóng hầm hập, hôm mưa kêu inh tai, Khá cùng ngoại tỉ mẩn xếp ít quyển tập, cuốn sách và vài bộ đồ phai màu vào ba lô lên thành phố, mang theo cả hy vọng về một tương lai rộng mở phía trước.
Thầy Đàm Thanh Lạc - hiệu trưởng Trường THPT Giồng Riềng - nói Khá ngoan hiền, học giỏi và luôn có nghị lực vượt khó dẫu gia cảnh đặc biệt khó khăn.
Hai năm học cuối cấp III, Khá luôn đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Cá nhân thầy hiệu trưởng cùng nhà trường mong bạn vẫn luôn nỗ lực vượt khó và cố gắng nhiều hơn nữa trên giảng đường đại học.
"Ở góc độ nhà trường, chúng tôi sẽ luôn dõi theo và hỗ trợ Khá trong điều kiện cho phép. Chúng tôi cũng rất mong em ấy sẽ được giúp để có thể vững vàng hơn trong con đường học hành sắp tới. Tôi tin bạn ấy sẽ thành công và là người hữu ích cho xã hội", thầy Lạc bày tỏ.