Giá xăng dầu và nhiên liệu liên tục tăng trong những tháng gần đây.
Rủi ro lạm phát
Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng này nhờ tiêu dùng trong nước sôi động và sự quay trở lại của du khách quốc tế sau khi Chính phủ mở cửa biên giới vào cuối tháng 3 vừa qua. Khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5, cao hơn khoảng 70% so với tháng 4 và là con số cao nhất kể từ tháng 4-2020, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức tăng trước đại dịch.
Đáng chú ý, doanh thu dịch vụ tiêu dùng bật tăng mạnh mẽ trong tháng 5 với tốc độ lần lượt 41% và 18,3% so cùng kỳ năm trước nhờ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ. Doanh thu dịch vụ lữ hành cũng tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, tuy vẫn thấp hơn 60% so với mức trước đại dịch.
Ở góc độ tín dụng, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tín dụng tăng đều tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là những ngành bị ảnh hưởng bởi COVID-19. "Tính 5 tháng đầu năm, tín dụng ngân hàng tăng trưởng ở các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải thậm chí còn lên tới 8,25%, cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,04% so với cuối năm 2021. Dòng vốn đã được định hướng vào những lĩnh vực ưu tiên để đảm bảo khôi phục sản xuất kinh doanh và nền kinh tế" - ông Tú nói.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Chính phủ Việt Nam vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.
Trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm nay, Tổng cục Thống kê nhận định doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 98.600 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 71.800 doanh nghiệp, tăng 20%, bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cần giảm ngay thuế, phí để cứu sản xuất kinh doanh
Theo các chuyên gia, giá xăng dầu tăng cao nhất từ trước tới nay, như xăng RON 95V vượt 32.500 đồng/lít, dầu diesel chạm ngảnh 30.000 đồng/lít, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân. Ngoài giá xăng dầu, giá một loạt nguyên liệu đầu vào sản xuất cũng tăng cao do tác động của chiến sự giữa Nga - Ukraine.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh - công nghệ Hà Nội, nhận định đến lúc này, cần giảm thuế phí một số mặt hàng, dịch vụ để đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi nền kinh tế như mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.
Năm nào tổng thu ngân sách cũng tăng trưởng 2 con số, như năm ngoái, dù COVID-19 khiến doanh nghiệp kiệt quệ, đời sống người dân khó khăn do phải giãn cách xã hội nhưng số thu vẫn tăng 16% với hơn 60.000 tỉ đồng. Điều này cho thấy gánh nặng thuế, phí vẫn áp lực rất lớn cho người dân và doanh nghiệp. Những ngành du lịch, vận tải, lưu trú, nhà hàng… bị thiệt hại nặng nề do đại dịch suốt 2 năm qua và đến nay vẫn chưa thể phục hồi.
"Trước mắt, để chia sẻ khó khăn với người dân, liên bộ Tài chính - Công thương sớm trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để hạ nhiệt giá mặt hàng này và kìm cương mức tăng của lạm phát.
Còn đối với mặt hàng khác, trước mắt chỉ nên ổn định thuế, phí và lệ phí, thậm chí xem xét giảm thuế chứ không tăng. Bởi việc tăng thuế sẽ được cộng vào giá bán hàng hóa và đối tượng chịu thiệt hại, phải trả thuế và phí, lệ phí là người tiêu dùng cuối cùng. Điều này đi ngược với chủ trương kích cầu tiêu dùng, phục hồi kinh tế của Quốc hội và Chính phủ" - ông Nguyễn Ngọc Tú khuyến nghị.
Mặt khác, theo vị chuyên gia này, Nhà nước cần có giải pháp để quản lý để đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Như rượu, bia chẳng hạn, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt do không khuyến khích sản xuất và tiêu dùng quá mức là phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng hiện nay, 60-70% lượng rượu tiêu thụ trong nước là sản xuất thủ công, Nhà nước không quản lý được. Nên nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia vô hình trung khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng chịu thiệt hại.
Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, Quyết định 508 về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành có nêu xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.
Về nội dung này, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú cũng khuyến cáo trước mắt, ít nhất trong 2 năm tới, chưa nên xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia. Vì nếu tăng thuế này sẽ gây khó khăn hơn cho không chỉ doanh nghiệp sản xuất rượu bia mà cả những nhà hàng, khách sạn, đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống khi kinh doanh những mặt hàng này và người chịu thiệt hại là người tiêu dùng.