Lù A Trù cùng bà con người Mông gìn giữ khu rừng trúc cha ông để lại - Ảnh: NAM TRẦN
Đời cha ông mình làm, nay đến đời chúng mình phát huy và cho con cháu sau này cố gắng gìn giữ, phát huy thế mạnh của địa phương.
LÙ A TRÙ
Từ đoạn đường bêtông dẫn vào bản, có tốp trai bản với chiếc xe gắn máy bọc xích đứng đợi, sẵn sàng làm tay lái cừ khôi dẫn đầu tour. Tới gần khu rừng trúc, các chị các mẹ mặc chiếc váy Mông sặc sỡ rạng rỡ đón chào du khách đến chiêm ngưỡng khu rừng trúc quý giá.
Khu rừng trúc quý giá
Từ bé xíu, nay là cả cánh rừng xanh!
"Tụi mình vận động bà con không chặt phá rừng, mong muốn cùng chung tay giữ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Có những thứ đẹp đẽ chúng mình phải gìn giữ, đừng để mất đi. Còn những cái không đẹp, không tốt thì mình tuyên truyền cho các bạn trẻ không nên theo" - Lù A Trù, 27 tuổi, bí thư chi bộ bản Nả Háng Tủa Chử, mở đầu câu chuyện.
Mong muốn của A Trù cũng là quyết tâm của người dân cả bản cùng nhau chung tay giữ màu xanh nơi cánh rừng.
A Trù nhớ, từ những cây trúc be bé, nhỏ xíu xiu, giờ đây trúc mọc lan nhanh thành cánh rừng xanh mướt với diện tích rộng hơn 1ha. Khu rừng trúc Nả Háng Tủa Chử có tuổi thọ lên đến gần 60 năm.
Ngày chưa đưa rừng trúc vào khai thác tiềm năng du lịch, bà con Nả Háng Tủa Chử lên nương lên rẫy thỉnh thoảng qua cánh rừng này xin chặt đôi ba cây trúc về rào mương, rào ruộng, hái măng. "Phải hạn chế việc chặt phá này. Nhiều nơi làm du lịch đẹp, sao mình không làm?", A Trù trăn trở.
Lù A Trù, 27 tuổi, bí thư chi bộ bản Nả Háng Tủa Chử -
Nghĩ là bắt tay vào làm ngay, anh bí thư chi bộ kêu gọi thanh niên trong bản tham gia tổ hợp tác phát triển du lịch. Mong muốn của A Trù cũng như bà con Nả Háng Tủa Chử là làm sao phát triển kinh tế cho gia đình, cho bản làng, vừa giữ được màu xanh của rừng, góp phần quảng bá du lịch địa phương. Từ tháng 7-2020, mỗi thanh niên trong tổ hợp tác là một hướng dẫn viên tham gia dẫn tour giới thiệu rừng trúc cho khách đến tham quan.
Nơi cánh rừng xanh mướt, A Trù phát lối đi, làm bậc thang cho du khách đi lại dễ dàng. Đồng thời tạo cảnh quan xung quanh như cổng tình yêu, xích đu, lán nghỉ, bàn trà cho khách dừng chân ngắm cảnh.
Anh còn tỉ mẩn đặt các thùng rác bên lối nghỉ, treo tấm biển nội quy rừng trúc: không vứt rác bừa bãi, không đi vệ sinh bừa bãi, không chạy nhảy trên cầu đu và tuyệt đối không được trèo lên các cây non. Cả bản Nả Háng Tủa Chử luôn nhắc nhở nhau phải giữ cho khu rừng trúc luôn tươi xanh, lan nhanh với sức sống bền bỉ, dẻo dai.
Tour đưa khách vào tham quan rừng trúc, giới thiệu cho khách về tuổi đời của trúc
Con cháu giữ gìn
A Trù còn trẻ nhưng là người có uy tín trong bản. Ngày trước chỉ học hết cấp III, cuộc sống của vợ chồng anh chỉ quanh quẩn lên nương lên rẫy với cây ngô, cây lúa. Nhưng điều mà chàng trai người Mông này làm được là quyết không nghiện rượu chè, cờ bạc đến mức "quên lối về" như cảnh tượng vốn đã thân quen đi vào ống kính của nhiếp ảnh gia.
"Mình thấy rượu chè, cờ bạc không mang lại kết quả tốt cho gia đình, cho con cái. Mình thấy được nhiều tình trạng khi rượu chè, cờ bạc thì đánh nhau, chửi bới nhau nên mình không theo. Mình làm theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, mình phấn đấu được đứng vào hàng ngũ Đảng", A Trù quả quyết.
Được nhân dân tín nhiệm, năm 2019 Lù A Trù được bầu giữ chức bí thư chi bộ bản. Anh quyết tâm đưa rừng trúc vào khai thác tiềm năng du lịch, thành lập hợp tác xã với 4 thành viên: A Trù là tổ trưởng, Lù A Xăng, Lù A Ký, Lù A Thảo. Đặc biệt anh được chính quyền địa phương tin tưởng, ủng hộ và giới thiệu rất nhiều đoàn khách đến tham quan mô hình du lịch ở địa phương.
"Mình thấy khách du lịch thường vào bản chơi, hợp tác xã khác cũng làm được nên mình cũng làm. Từ khi đưa vào hoạt động du lịch, chúng mình quản lý chặt hơn việc chặt phá rừng. Chúng mình dẫn tour đưa khách vào tham quan rừng trúc, giới thiệu cho khách về tuổi đời của trúc. Đời cha ông mình làm, nay đến đời chúng mình phát huy và cho con cháu sau này cố gắng gìn giữ, phát huy thế mạnh của địa phương", Lù A Trù tâm niệm.
Trong rừng có cổng tình yêu, xích đu, lán nghỉ, bàn trà cho khách dừng chân ngắm cảnh
Mới đưa vào khai thác du lịch, A Trù nói khó khăn nhất là về vốn, gia đình chưa có điều kiện đầu tư cải tạo thêm cảnh quan, nhưng bù lại cả cánh rừng trúc còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ càng thu hút khách du lịch ưa trải nghiệm đến chinh phục. Hiện nay, vào mùa du lịch những hôm cao điểm bà con thu hơn 1 triệu đồng/ngày.
Từ khi đưa vào khai thác du lịch, dân làng theo A Trù, nghe A Trù tuyên truyền về phát triển du lịch vừa bảo vệ rừng trúc. Đồng thời, anh còn tuyên truyền cho bà con "ai có gì bán nấy" như ngô, khoai, sắn hay đặc sản địa phương bán cho khách du lịch để kiếm thêm thu nhập.
"Nay thì cả ngày A Trù ở rừng trúc luôn, mệt nhưng khách lên càng đông thì càng vui. Mình còn tuyên truyền cho anh em trong tổ hợp tác không được chặt phá, biết bảo vệ rừng. Từ khi đưa vào sử dụng, khai thác du lịch, thu nhập dần ổn định, thấy vui hơn rất nhiều", bí thư chi bộ Lù A Trù bộc bạch.
Nơi cánh rừng xanh mướt, A Trù phát lối đi, làm bậc thang cho du khách đi lại dễ dàng
Kinh nghiệm "dân vận"
Để có con đường dẫn lên rừng trúc như bây giờ, A Trù cùng anh em trong tổ hợp tác phải vận động, kêu gọi thêm bà con dân bản cùng chung tay đào đất, đắp bờ, hoàn thành nhanh chóng chỉ trong một ngày. Để có bàn ghế, lán trại cho khách dừng chân ăn uống, ngủ nghỉ, bà con lại hò nhau bê từng hòn đá, khúc gỗ lên tận nơi.
"Mình làm nhiều cái thành công, trong quá trình vận động có nhiều cái khó khăn, vất vả đấy, nhưng từ trước đến nay mình chưa từng thất bại nên nói gì dân cũng nghe. Chỉ cần mình có kinh nghiệm tuyên truyền thì mọi người sẽ nghe. Nay với rừng trúc này, mình vận động bà con không cho chặt phá lung tung, cùng nhau giữ gìn cho con cháu sau này được hưởng", Lù A Trù quả quyết.