Giới thiên văn phát hiện 70 "hành tinh giả mạo" trong không gian

2 năm trước 219
Giới thiên văn phát hiện 70 hành tinh giả mạo trong không gian - Ảnh 1.

Hình minh họa về "hành tinh giả mạo" trôi nổi tự do trong không gian - Ảnh: NSF

Đây không phải lần đầu tiên các nhà thiên văn học phát hiện ra "hành tinh giả mạo" trôi nổi tự do trong dải Ngân hà. "Hành tinh giả mạo" là cách giới thiên văn gọi một thiên thể trong vũ trụ có kích thước bằng một hành tinh nhưng không quay xung quanh ngôi sao nào cả.

Tuy nhiên, với con số kỷ lục 70 hành tinh lại là hiện tượng hiếm thấy. Đồng thời, đây có thể là một bước quan trọng trong việc tìm hiểu nguồn gốc của "những người du mục bí ẩn trong thiên hà", theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Astronomy.

Nhà thiên văn Núria Miret-Roig, Đại học Vienna (Áo), đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết trong thông cáo báo chí: "Chúng tôi không biết có bao nhiêu người mong đợi và vui mừng vì đã tìm thấy nhiều hành tinh như vậy".

Hành tinh giả mạo nằm sâu trong khoảng không tối tăm của không gian giữa các vì sao, nên rất khó phát hiện. Các hành tinh cô đơn này tự do đi lang thang và không quay quanh một ngôi sao nào. Chúng có khối lượng tương đương với các hành tinh trong Hệ Mặt trời.

Để phát hiện ra các hành tinh giả mạo, các nhà nghiên cứu phải sử dụng một loạt kính thiên văn, đặt cả trên Trái đất và trong không gian, bao gồm cả kính viễn vọng rất lớn của Cơ quan Vũ trụ châu Âu và vệ tinh Gaia.

Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà nghiên cứu Hervé Bouy ở Đại học Bordeaux (Pháp), cho biết: "Chúng tôi đã sử dụng 80 hình ảnh đã chụp được trong 20 năm của Tổ chức Nghiên cứu thiên văn châu Âu ở Nam bán cầu (ESO), hàng trăm giờ quan sát và hàng chục terabyte dữ liệu".

"Phát hiện mới cho thấy có một kho báu những 'kẻ lang thang' ngoài vũ trụ đang chờ được tìm thấy. Có thể có vài tỉ hành tinh khổng lồ lơ lửng chuyển động tự do trong dải Ngân hà mà không có ngôi sao chủ", ông Bouy cho Đài CBS News biết.

Việc tìm kiếm thêm những loại thiên thể như thế này sẽ giúp giới khoa học hiểu được nguồn gốc của chúng.

Các nhà thiên văn hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu bằng cách sử dụng kính viễn vọng cực lớn E-ELT (European Extremely Large Telescope). Đây là kính thiên văn mặt đất có kích thước rất lớn, đang được Tổ chức ESO xây dựng trên đỉnh núi Cerro Armazones trong sa mạc Atacama ở miền Bắc Chile.

Ông Bouy nói: "Kính viễn vọng ELT sẽ rất quan trọng trong việc thu thập thêm thông tin về hầu hết các hành tinh giả mạo mà chúng tôi đã tìm thấy".

 Tiểu hành tinh mạnh hơn bom hạt nhân sắp lao qua Trái đấtNASA: Tiểu hành tinh mạnh hơn bom hạt nhân sắp lao qua Trái đất

TTO - Một tiểu hành tinh lớn ở cấp độ nguy hiểm nhất, mạnh hơn một quả bom hạt nhân, sẽ lao qua Trái đất vào cuối tháng 12, theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Nguồn bài viết